Thư viện của trường tiểu học Woodgrove của Singapore giống như 1 phòng thí nghiệm. Sau khi các tiết học thông thường kết thúc vào khoảng 2h chiều, học sinh sẽ đăng ký tham gia các tiết học tự chọn cập nhật những công nghệ mới mẻ như thiết kế 3D, làm phim hoạt hình stop-motion và lập trình robot. Giáo viên hướng dẫn sẽ giải thích về nguyên lý hoạt động, sau đó để học sinh tự làm mọi thứ với thông điệp nếu thất bại thì cũng không sao.
Các trường học ở Singapore lâu nay vẫn bị cho là đi theo cách giảng dạy quá mô phạm, học thuộc lòng và quá chú trọng lý thuyết. Học sinh Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng trong bài kiểm tra PISA đánh giá học sinh 15 tuổi trên toàn thế giới do OECD thực hiện, và cũng đứng đầu môn toán và khoa học theo bài kiểm tra TIMMS được thực hiện trên trẻ em từ 10 đến 14 tuổi.
Tuy nhiên, nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế đã khiến Singapore phải thay đổi ưu tiên. Andreas Schleicher, chuyên gia của OECD, nhận định nền giáo dục Singapore đang trải qua "một cuộc cách mạng thầm lặng mà phương Tây gần như không chú ý tới".
Các chính trị gia Singapore giờ đây đang kỳ vọng sẽ có thể vừa phát huy những kết quả thi cử vượt trội vừa trang bị được cho người học những kỹ năng cần thiết để làm việc trong lĩnh vực dịch vụ đang ngày càng phát triển của quốc đảo này, đồng thời có 1 cuộc sống mãn nguyện. "Đó không chỉ là dạy cách làm thế nào để trở nên thông minh mà còn là làm thế nào để trở thành 1 người tốt hơn", Heng Swee Keat – người hiện đang là Bộ trưởng Tài chính Singapore và từng là Bộ trưởng Giáo dục nhiệm kỳ 2011-15 – nói.
Không giống như hầu hết các cuộc cách mạng cần đến sự quyết đoán và chóng vánh, cải cách giáo dục là 1 dự án dài hơi và được Singapore thực hiện một cách chậm rãi, cẩn trọng.
Cho đến nay thay đổi đáng chú ý nhất là việc giảm áp lực thi cử. Năm 2012, Singapore hủy bỏ bảng xếp hạng các trường cấp 2, đồng thời ngừng công bố danh sách thủ khoa và mở rộng tiêu chí thi tuyển đầu vào tại các trường cấp 2 tốt nhất. Từ năm 2021, học sinh học hết tiểu học sẽ không còn được chấm điểm chính xác điểm số cụ thể mà thay vào đó áp dụng cách chấm điểm chung chung hơn.
Sâu bên trong hệ thống giáo dục Singapore là những thay đổi lớn lao hơn. Bộ Giáo dục Singapore vừa công bố danh sách "các kỹ năng của thế kỷ 21" mà bộ này mong muốn học sinh sinh viên sẽ tích lũy được, trong đó có những kỹ năng mềm như tự nhận thức (self-awareness) và đưa ra những quyết định có trách nhiệm (responsible decision-making).
Các câu hỏi của bài thi được chỉnh sửa theo hướng mở, nhằm khuyến khích tư duy phê phán bên cạnh các kiến thức thông thường. Giáo viên sử dụng cả thước đo về khả năng tương tác với xã hội của học sinh chứ không chỉ tính riêng khả năng tiếp thu các kiến thức học thuật.
Phương pháp dạy học cũng đang thay đổi. Tất cả các giáo viên phải trải qua 100 giờ đào tạo mỗi năm, trong đó họ học các kỹ năng sư phạm mới như khuyến khích làm việc nhóm và sự trao đổi giữa giáo viên với học sinh. Như chia sẻ của Yan Song – 1 học sinh tại trường cấp 2 Deyi từng học ở Trung Quốc trước khi chuyển tới Singapore, ở Singapore hệ thống giáo dục tập trung vào "cách bạn cư xử như 1 người bình thường", trong khi ở Trung Quốc "bạn chỉ học thâu đêm suốt sáng".
Thay đổi cuối cùng là tạo ra môi trường học tập gần gũi nhất với nơi làm việc sau này. Đến năm 2023, gần như tất cả các trường học ở Singapore sẽ phải áp dụng các môn học như khoa học máy tính, robotic và điện tử, ngoài ra còn có văn hóa và thể thao. Trọng tâm là tạo ra môi trường cho phép học sinh thực hành như trong thế giới thực. Ví dụ như tại trường cấp 2 Deyi, báo hình được sử dụng như 1 cách để cải thiện kỹ năng giao tiếp.
Bộ Giáo dục Singapore cũng tuyển dụng 100 nhân viên làm công tác hướng nghiệp, những người hiểu rõ thị trường lao động đang thiếu hụt ở đây và làm việc với các trường học để thông báo về thực trạng.
Hiện nay người hướng nghiệp thường thuyết phục người học tìm đến những ngành mới mẻ bên ngoài các nghề nghiệp truyền thống như ngân hàng, công chức và y dược. Thuyết phục các bậc phụ huynh rằng có nhiều thứ còn quan trọng hơn kết quả thi cử và 1 công việc trong những ngành có vị thế xã hội cao là điều khá khó khăn. Do đó Bộ Giáo dục Singapore làm việc với các nhóm hỗ trợ phụ huynh và những nhân vật có tầm ảnh hưởng trên các kênh truyền thông xã hội, ngoài ra thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo.
Tay Geok Lian, 1 nhân viên hướng nghiệp, cho biết một số phụ huynh, đặc biệt là những người giàu có, đã bắt đầu thay đổi quan điểm. Tuy nhiên để thay đổi cả xã hội là chuyện không dễ thực hiện trong chớp mắt. Nhiều học sinh vẫn đang phải đi học phụ đạo vì muốn có 1 kết quả thi tốt và vào trường tốt, sau đó là đi du học rồi cuối cùng là 1 công việc tốt trong Chính phủ. Dẫu vậy, với những nền tảng tốt thì hệ thống giáo dục Singapore đang ở 1 vị trí rất thuận lợi để cải cách và đạt được thành công.