Mỗi ngày, người sáng lập kiêm CEO Elliot Weissbluth phải giải quyết rất nhiều câu hỏi chi tiêu liên quan đến rất nhiều tiền bởi công ty của ông - High Tower hiện đang quản lý số tài sản lên tới gần 50 tỷ USD.
Ngoài ra Weissbluth cũng có nhiều con hơn các ông bố bình thường khác với 5 đứa trẻ.
Là một giám đốc quản lý quỹ, ông hiểu được tầm quan trọng của kiến thức về tài chính tiêu dùng trong cuộc sống. Do đó, ông thường xuyên có những buổi trò chuyện với các con về cách sử dụng tiền bạc, tiết kiệm và cho đi từ khi chúng còn rất nhỏ.
Một khi chúng đã được cung cấp đủ thông tin, hãy để chúng tiếp cận với thực tế.
5 người con của Weissbluth có độ tuổi từ 10-16. Tất cả đều có tiền phụ cấp mỗi tuần và phải tự theo dõi tình hình tài chính của mình. Tiền phụ cấp không chỉ phục vụ mục đích chi tiêu mà còn để dành tiết kiệm và làm từ thiện.
Điều đó giúp chúng hiểu được tài khoản tiết kiệm là gì và nó khác tài khoản giao dịch như thế nào, ông nói. Lũ trẻ cũng cần phải được dạy về "tầm quan trọng của việc bỏ ra vài USD để làm từ thiện, ngay cả khi đó chỉ là một khoản tiền khiêm tốn...Bọn trẻ luôn cần phải suy nghĩ về việc dành tiền cho những người nghèo khó hơn".
Một bài học khác mà vị CEO thường dạy các con của mình đó là: "Tiền do bố mẹ làm ra cần rất nhiều công sức mới có được".
Đây là bài học khó nhất và khó hơn nữa khi mà nhiều giao dịch hiện nay được thực hiện chỉ bằng một cú nhấp chuột hoặc quẹt thẻ. "Bạn phải đào tạo và dạy cho chúng rằng mặc dù rất dễ để lấy một thiết bị và nhấp chuột. Nhưng những đồng tiền đó thực sự rất khó để tạo ra".
Vậy cách tốt nhất là gì?
Theo ông Weissbluth, hãy để cho lũ trẻ làm việc. Thực tế, cả 5 người con của ông đều sẽ phải trả một phần học phí. Ông nói: "Chúng sẽ phải vay nợ tôi hoặc vay nợ chính phủ liên bang" để có tiền đi học.
Tại các nước phát triển, trẻ con thường được khuyến khích đi làm thêm tự kiếm tiền sinh hoạt riêng, không dựa dẫm vào tiền trợ cấp của bố mẹ. Chuyên gia tư vấn tài chính cho các gia đình giàu có, bà Susan Bruno cho rằng, sự cung phụng, cho đứa trẻ mọi thứ sẽ khiến chúng hư hỏng. “Đó là quy luật tự nhiên. Nếu những đứa trẻ biết rằng chúng sẽ có một số tiền lớn mà không phải làm gì cả, chúng sẽ không có động lực để làm việc”, bà Susan nói.