Nông dân mất đất được chuyển đổi việc làm
Từ lâu, nhiều địa phương đã xem dạy nghề là yếu tố quyết định để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi cơ cấu lao động, giảm nghèo bền vững cho người dân. Điều này càng đúng hơn với lao động vùng mất đất, lao động nghèo.
Lao động nông thôn được học nghề may thổ cẩm. Ảnh: Minh Nguyệt
“Tính đến hết năm 2017, đào tạo nghề đã tuyển mới được hơn 2 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được 540.000 người; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng tuyển sinh được 1,55 triệu người. Trong đó, có gần 700.000 lao động nông thôn và người khuyết tật được đào tạo nghề theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Số liệu từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) |
Ông Bùi Văn Lương – Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cho biết, đối tượng bị thu hồi đất rất rộng rãi, nhiều hộ bị thu hồi đất có tới 4-5 lao động. Tuy nhiên, chỉ một số lao động trẻ thì mới tìm được việc làm trong các khu công nghiệp, số lao động khác có tuổi cần phải học nghề tự tạo việc làm mới tại địa phương.
Là một trong những trường hợp đi đầu trong hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên hàng năm đào tạo được khoảng trên 1.000 lao động sơ cấp nghề. Ông Nguyễn Đại Minh – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên cho biết, gần đây công tác phối hợp giữa 3 nhà là nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp được làm tốt mang lại hiệu quả cao trong việc giải quyết việc làm. Ngoài đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bị mất đất cũng được quan tâm.
“Nhờ làm tốt việc kết nối mà hoạt động dạy nghề của trung tâm đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, theo hướng chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... cho lao động, đặc biệt với những lao động bị mất đất ở thị xã Phổ Yên” – ông Minh nói.
Đánh giá về đề án dạy nghề, tạo việc làm cho LĐNT thị xã Phổ Yên cho thấy trong 3 năm qua tỉnh đã tổ chức được gần 50 lớp học cho hơn 1.000 LĐNT đạt tỷ lệ 126%. Các ngành nghề phù hợp với lao động, nhiều ngành nghề giải quyết nhu cầu việc làm cho thu nhập cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, riêng tỷ lệ có việc làm sau học nghề của LĐNT đạt hơn 90%.
Tích cực chuyển đổi kinh tế địa phương
Nhiều năm qua nhờ miệt mài trong công tác dạy nghề cho LĐNT mà cơ cấu lao động của Việt Nam giảm rõ rệt. Điển hình là một số tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hoà Bình...
Ông Nguyễn Tiến Cương – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Kạn cho rằng: “Một trong những khó khăn đó chính là vấn đề dạy nghề phi nông nghiệp đòi hỏi cần phải có những trang thiết bị mới, bắt kịp với xu hướng của thị trường. Thêm vào đó, việc kết nối với các đơn vị doanh nghiệp để mở rộng thị trường bao tiêu sản phẩm cũng là một vấn đề lớn”.
Ông Cương cho biết, thời gian qua tỉnh Bắc Kạn cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó chú trọng nhiều vào đào tạo nghề cho lao động theo hướng phi nông nghiệp, ưu tiên đào tạo cho phụ nữ, hộ nghèo, hộ mất đất. Mặc dù có tới 70 phụ nữ không được học nghề, nhưng nhiều năm qua Bắc Kạn đã làm rất tốt công tác dạy nghề, toạ việc làm cho đối tượng này.
Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho chị em sau học nghề. Ngoài ra Trung tâm còn giúp chị em thành lập nhiều hợp tác xã sản xuất bún khô, sản xuất dong giềng... để bao tiêu sản phẩm cho học viên.
Bà Nguyễn Thị Nga – Phó chủ tịch Hợp tác xã 20.10 của tỉnh này cho biết: “Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, trung tâm dạy nghề và Hội Liên hiệp phụ nữ, chị em được học nghề, sau học nghề còn được hỗ trợ máy móc cho hội viên hội phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo và cận nghèo. Sau học nghề nhiều chị em đã vươn lên trở thành thợ tay nghề, có thu nhập cao”.
Mặc dù vậy, công tác dạy nghề phi nông nghiệp và tạo việc làm còn nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn chính là hoạt động dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nhiều lớp dạy xong, học viên ra trường đi làm tại các doanh nghiệp, doanh nghiệp lại phải đào tạo lại từ đầu. Nhiều lao động dù được học nghề nhưng tác phong công nghiệp yếu, làm một thời gian thì bỏ việc.