Tăng thuế viện dẫn thông lệ quốc tế có phù hợp?
TS. Phạm Thế Anh tại toạ đàm khoa học về Thuế diễn ra gần đây đã có góp ý xây dựng với Bộ Tài chính ở khía cạnh "thông lệ quốc tế". Bởi đây là một trong những luận điểm thường được Bộ Tài chính đưa ra mỗi khi đề xuất tăng thuế. Theo đó, TS. Thế Anh cho rằng chưa được thuyết phục bởi chưa đầy đủ và còn cứng nhắc.
Ví dụ, khi Bộ Tài chính nói rằng tỷ lệ thu thuế của Việt Nam thấp hơn thế giới, có xu hướng giảm là chưa ổn thoả. Bởi lẽ, các dịch vụ công của Việt Nam đang được chuyển sang hình thức xã hội hoá, tức chi phí trước đây Nhà nước thu, tính vào thuế và phí nay đã không còn được tính vào thu ngân sách. Do vậy, tỷ lệ thuế giảm. Nhưng sự giảm này được TS. Thế Anh gọi là "giả tạo" do chi phí thực trả của người dân rất cao.
Con số GDP mơ hồ cũng là một yếu tố cần tính đến. "Cách đây 5 năm Tổng cục Thống kê có đưa giá trị nhà ở vào GDP khiến nó tăng phồng lên", ông Thế Anh nói.
Hay như nhìn vào tốc độ tăng thuế. VAT của Việt Nam đang được đánh giá thấp so với khu vực. Nhưng trong nước có một loại thuế rất tương đồng với VAT là thuế lạm phát. Ở các nước, tỷ lệ lạm phát rất thấp, chỉ 1 – 2%, Việt Nam thì đang trong khoảng 3 – 4% và có thể tăng. Thuế lạm phát giống VAT, tức càng tiêu dùng càng trả nhiều.
"Cộng VAT, cộng tỷ lệ lạm phát thì sẽ khác nhau rất nhiều", theo TS. Phạm Thế Anh.
Một vấn đề khác mà dự luật Thuế Bộ Tài chính đang gặp phải là sự nhầm lẫn giữa thuế thuế tài sản (wealth tax) với thuế nhà đất (property tax).
Hai loại thuế này rất khác nhau, theo TS. Thế Anh, thể hiện ở tính chất thu, đối tượng thu và mục đích sử dụng. Thuế tài sản được đánh vào đối tượng sở hữu tài sản, còn thuế nhà đất đánh vào người ở, người sở hữu. Nếu như thuế tài sản được chính quyền trung ương thu nhằm tái phân phối thu nhập thì thuế nhà đất được chính quyền địa phương thu để phát triển hạ tầng địa phương.
Thuế của Bộ Tài chính gần đây đề xuất thiên về thuế tài sản hơn là thuế nhà đất, do cấp quản lý là trung ương, đối tượng thu là người sở hữu. Bên cạnh đó, đây còn là loại thuế trực thu về sở hữu tài sản, mục đích không dùng cho địa phương, theo TS. Phạm Thế Anh.
Triết lý thuế là gì?
PGS. TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cũng cho rằng cần phân biệt rõ các loại thuế này để tránh nhầm lẫn. Theo ông lý giải, thuế tài sản là một khái niệm rất rộng. Các nước trên thế giới ít dùng đến cái tên này mà đặt ra từng loại thuế , ví dụ thuế nhà đất, thuế động sản...
"Hiếm nước đánh thuế tài sản ròng theo nghĩa tất cả tài sản. Bộ Tài chính dẫn ra 174/193 nước đánh thuế tài sản là không đúng, chỉ là thuế bất động sản thôi", TS. Cường nói. 4 nước đánh thuế tài sản (wealth tax) hiện chỉ có Pháp, Na Uy, Thuỵ Sỹ, Đức. Nguyên nhân số thu thấp, hiệu quả không cao và người giàu có rất nhiều cách trốn thuế.
Ở Việt Nam hiện nay, theo TS. Cường đã có loại hình của thuế tài sản, ví dụ thể hiện ở lúc đăng ký bất động sản, thuế nhà đất đầu vào. Thuế nhà đất bản chất là một loại thuế tài sản.
Do đó, vị chuyên gia này nhấn mạnh trước khi đánh thuế, cần phải làm rõ triết lý đánh thuế là gì. Bởi lẽ nếu thuế vì tăng thu, vì công bằng, hay đảm bảo xây dựng hạ tầng thì sẽ cho ra các phương án khác nhau.
Cụ thể, ở thuế nhà đất (property tax) ở các nước không nhằm mục tiêu để điều tiết công bằng. Theo đó, mục đích là thu thuế để xây dựng địa phương.
TS. Cường cho rằng ở Việt Nam có một điều kỳ lạ. "Chúng ta sẵn sàng nộp 2 triệu xây dựng trường công nhưng bảo thu thuế 1 triệu lại không ổn. Trong khi đó, nếu nộp thuế 1 triệu và trường thu tiền thì có quyền từ chối vì thuế được dùng cho cơ sở hạ tầng, sao phải hộp thêm", ông nói và nhấn mạnh "Đã là trường công sao lại phải nộp tiền xây dựng trường, thế nộp thuế để làm gì?".
TS. Cường tỏ ra đồng tình với việc đánh thuế nhà đất, hiện nó đang ở mức rất thấp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc phải công khai, minh bạch số thu sử dụng. "Tôi tin người dân sẵn sàng đóng thêm nếu số tiền được minh bạch, sử dụng vào công việc chung của cộng đồng", ông nói. Ở các nước, phần thuế này còn được gọi là thuế cộng đồng hoặc thuế địa phương và nó không có nhiệm vụ điều tiết giàu – nghèo.