Ngày 2-7, một số báo đã đưa thông tin khẳng định Việt Nam sản xuất thành công vắc-xin phòng dịch tả heo Châu Phi (DTHCP). Tuy nhiên đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã bác bỏ thông tin này.
Trước đó, tại cuộc họp về giải pháp sử dụng vắc-xin, chế phẩm sinh học trong phòng chống DTLCP diễn ra sáng nay 2-7 tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, GS-TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu mạnh về vắc-xin của Học viện đã phân lập thành công virus DTLCP trên tế bào PAM, nhân lên số lượng lớn, đồng thời tiến hành vô hoạt virus để sản xuất vắc-xin phòng DTHCP vô hoạt thế hệ mới.
GS-TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, báo cáo kết quả nghiên cứu bước đầu của Học viện về vắc-xin DTHCP tại Bộ NN-PTNT sáng 2-7 - Ảnh: Công Bền
Các thí nghiệm nghiên cứu về hiệu lực của vắc-xin DTLCP thử nghiệm quy mô phòng thí nghiệm của Học viện cũng như tại một số cơ sở chăn nuôi ngoài thực địa đã cho những kết quả khả quan bước đầu.
Cụ thể, bà Lan cho biết thử nghiệm vắc-xin được tiến hành tại 3 trai heo bị bệnh DTHCP thuộc 3 hộ gia đình khác nhau tại vùng dịch của tỉnh Hưng Yên (liều vắc-xin 2ml/con; tiêm bắp; số lần tiêm 2 lần, cách nhau 2 tuần). Kết quả cho thấy: Toàn bộ 17/18 heo nái và 15 heo thịt của 3 hộ gia đình được tiêm vắc-xin đều sống khỏe mạnh sau hơn 2 tháng, một số nái đã đẻ và heo con khỏe mạnh. Trong khi đó, những lợn không được tiêm vắc-xin của 3 hộ gia đình anh Quang, ông Đài và ông Trình đều chết do DTHCP.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã chọn ra được 3 chủng virus DTCP có độc lực cao để công cường độc đối với các cá thể heo được tiêm vắc-xin DTLCP. Cụ thể, lợn thí nghiệm công cường độc (cả lô đối chứng và lô thí nghiệm) đều được xét nghiệm máu bằng công nghệ Realtime-PCR, đảm bảo âm tính với virus DTLCP. Heo thí nghiệm được tiêm 2 mũi vắc-xin, cách nhau 2 tuần. Sau đó công cường độc virus với liều 10HAD/ml. Heo sau khi tiêm được nhốt cạnh nhau, có tiếp xúc với nhau, có theo dõi nhiệt độ, triệu chứng lâm sàng, khả năng tiêu tốn thức ăn hàng ngày.
Kết quả cho thấy: Sau khi công cường độc 21 ngày, trong tổng số lô heo đối chứng 5 con không tiêm vắc-xin, đã có 3 con bị chết tương (ứng vào các ngày 9, 10 và 13 sau khi công cường độc), 2 con còn lại bỏ ăn và sốt cao, không có dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, với lô heo 6 con thí nghiệm có tiêm vắc-xin DTLCP, 21 ngày sau khi công cường độc, chỉ có 1 con chết (vào ngày thứ 13 sau công cường độc), 5 con còn lại đến nay vẫn ăn uống bình thường. Như vậy theo kết luận sơ bộ ban đầu, vắc-xin đã có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn heo được tiêm phòng.
Mặc dù vậy, GS-TS Nguyễn Thị Lan cũng thận trọng cho rằng: "Những kết quả về thử nghiệm vắc-xin DTHCP vô hoạt của Học viện mới chỉ là những kết quả bước đầu có khả quan trong trong quy mô phòng thí nghiệm trong diện hẹp. Bên cạnh đó, do thời gian nghiên cứu và thử nghiệm vắc-xin gấp rút, nhiều thí nghiệm đã được rút ngắn nên các loại vắc-xin DTHCP vô hoạt đã và đang thử nghiệm vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu trên diện rộng và lặp lại".
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý về các nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ông Cường cho rằng từ nghiên cứu thử nghiệm đến sản xuất thương mại được vắc-xin là một chặng đường dài và thực tế thế giới chưa sản xuất được vắc-xin DTHCP bởi đây là điều không hề dễ dàng. "Vì vậy, đây chỉ là những kết quả bước đầu, không được chủ quan, quá lạc quan với những kết quả này"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá.
61 tỉnh, thành xuất hiện dịch tả heo Châu Phi
Ngày 2-7, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, địa phương vừa xuất hiện ổ dịch tả heo Châu Phi ở ấp 1A, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), với tổng đàn 54 con.
Như vậy, Bến Tre là tỉnh cuối cùng bị nhiễm dịch tả heo Châu Phi sau các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tính đến sáng 2-7, dịch tả heo Châu Phi đã xuất hiện ở 61 tỉnh, thành trên cả nước, số heo phải tiêu hủy là hơn 2,84 triệu con, chiếm hơn 10,3% tổng đàn.