Gửi kiến nghị đến Quốc hội, cử tri tỉnh Ninh Thuận phản ánh hiện nay tình trạng tour du lịch "0 đồng" cho khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam không chỉ gây thất thu cho ngân sách mà còn kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp.
Cử tri kiến nghị các bộ, ngành địa phương liên quan thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý trong hoạt động du lịch, sớm giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Trả lời, Bộ Văn hoá thể thao và du lịch cho biết, tour giá rẻ hay còn gọi là tour "0 đồng" là loại tour du lịch trong đó có giá cạnh tranh thấp để thu hút khách. Tour du lịch loại này có cơ cấu chi phí gồm 2 phần chính: chi cố định cho tour du lịch bao gồm vé máy bay, ăn uống, lưu trú, đi lại, hướng dẫn viên. Chi khác ngoài tour chủ yếu gồm mua sắm…
Gần đây tour du lịch loại này xuất hiện nhiều ở các trung tâm du lịch lớn như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa… và gắn với thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, văn bản trả lời cho biết.
Theo Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch, về mặt tích cực, khách du lịch theo tour giá rẻ đều phải chi cho các dịch vụ cơ bản: ăn, ở, ngủ, nghỉ, tham quan, qua đó mang lại thu nhập, việc làm cho các cơ sở dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Về mặt tiêu cực, do cạnh tranh hạ giá tour quá mức nên các công ty lữ hành tập trung vào tăng thu từ mua sắm, có hiện tượng các hãng lữ hành câu kết với hướng dẫn viên và hệ thống cửa hàng mua sắm chuyên biệt (chỉ bán cho khách đi tour này, không bán cho khách khác với giá cao, không kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hóa…) điều này dẫn tới việc khách bị cắt giảm chương trình, bị ép mua hàng giá cao gấp nhiều lần, có dấu hiệu bị lừa đảo, làm méo mó hình ảnh của điểm đến du lịch và nhà nước không thu được thuế...
Văn bản hồi âm cử tri cho biết, để tăng cường công tác quản lý trong hoạt động du lịch, giải quyết dứt điểm tình trạng trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động lữ hành chui, kiểm soát hoạt động của hướng dẫn viên du lịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Giải quyết tiếp theo là tăng cường kiểm soát đối với hệ thống cửa hàng, trung tâm mua sắm chuyên phục vụ khách du lịch đi tour loại này (siết chặt kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ; trốn thuế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài…)
Chỉ đạo UBND các tỉnh/thành nâng cao trách nhiệm quản lý các hoạt động du lịch trên địa bàn, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong viêc kiểm tra, xử lý vi phạm bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thuyết minh tại điểm đến để giảm tải việc thiếu hụt hướng dẫn viên tại các điểm đến.
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 51,6 lần
Cũng quan tâm đến du lịch, cử tri Tp.HCM đề nghị tăng cường và xây dựng chiến dịch quảng bá truyền thông rộng rãi về du lịch Việt Nam, dừng việc khai thác các khu vực tự nhiên để phát triển du lịch công nghiệp, tăng cường phát triển du lịch sinh thái.
Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch trả lời, nhiều năm qua, du lịch Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng khá cao, đang dần chuyển dịch cơ cấu theo hướng chất lượng, hiệu quả với mục tiêu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Sau gần 30 năm đổi mới và phát triển, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 51,6 lần (từ 0,25 triệu năm 1990 lên 12,9 triệu năm 2017). Năm 2000, tổng thu từ khách du lịch đạt 17.400 tỷ đồng, năm 2017 đạt 510.000 tỷ đồng. Sau 17 năm, tổng thu từ khách du lịch tăng hơn 29 lần.
"Có thể nói, đạt được kết quả tăng trưởng đáng khích lệ đó có sự đóng góp quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch", cơ quan trả lời nhấn mạnh.
Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch cũng giải thích, theo quy định của Luật Du lịch năm 2017 thì không có loại hình "du lịch công nghiệp". Mặt khác tại nghị quyết 08 ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ: phát triển du lịch bền vững, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự xã hội.
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng cho biết, du lịch sinh thái là một trong 5 dòng sản phẩm chính được xác định trong Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2030. Trong đó định hướng quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch, tập trung đẩy mạnh các sản phẩm sinh thái, chú trọng khám phá sinh học, hang động, du lịch núi, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn.