Nhà hàng của anh Trần Chung Hưng ở Thác Bạc (một địa điểm tiêu thụ cá nước lạnh nổi tiếng ở Sa Pa) đang phải đóng cửa vì dịch Covid-19.
Hàng trăm tấn cá "quý tộc" nằm bể chờ khách
Theo ông Hải, hiện Hội Cá nước lạnh Lào Cai có trên 200 thành viên, với sản lượng cá hồi đang nằm bể thời điểm này lên đến hàng trăm tấn. Ngoài 25 trang trại lớn, còn lại phần lớn là các hộ nuôi cá nhỏ lẻ ở địa phương, phần đông là bà con đồng bào dân tộc Thái, Dao.
"Hiện đang vào thời điểm giao mùa, nước về ít khiến cá hồi dễ bị bệnh. Vì thế nếu không bán được các lứa cá này, bà con sẽ bị thiệt hại rất lớn, thậm chí sẽ có nhiều hộ sẽ trắng tay, phá sản", ông Hải chia sẻ.
Thông thường như mọi năm, vào mùa này bà con nuôi cá nước lạnh (trong đó chiếm 70% là hộ nuôi cá hồi) tại Sa Pa, Bát Xát... đang vào thời điểm thu hoạch cá sôi động, chủ yếu là phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, mọi đầu mối tiêu thụ cá đều đóng băng, khiến bà con ở đây rơi vào tình cảnh thê thảm chưa từng có.
Do không tiêu thụ được, hiện người nuôi cá hồi ở Lào Cai như "ngồi trên đống lửa".
"Hộ ít cũng có vài tấn, hộ nhiều thì đang ôm hàng chục tấn, đều đang chung cảnh ế ẩm. Hi vọng lớn nhất của bà con hiện giờ là bán hàng online, nhưng cũng không ăn thua, nhiều hộ chỉ còn biết "nằm chờ" vỡ nợ thôi", ông Hải ngậm ngùi nói.
Theo ông Hải, trong số hàng trăm hộ đầu tư vào nuôi cá đặc sản ở các vùng của Lào Cai có đến trên 80% số hộ vay lãi ngân hàng, nợ ngoài. Đến giờ cá không bán được, nhiều triệu phú, tỷ phú cá đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
"Để chia sẻ với bà con nuôi cá nước lạnh trên địa bàn, chúng tôi đã gửi kiến nghị, đề xuất lên tỉnh, các ngân hàng, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi xin có chính sách hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ cho bà con, nhưng đến giờ vẫn chưa có hồi âm", ông Hải bộc bạch.
Cá hồi hay còn gọi là cá "quý tộc", một loài cá đặc sản được nuôi và mang lại thu nhập cao cho người dân ở Lào Cai đang khó tiêu thụ vì dịch Covid-19.
Theo Sở NN&PTNT Lào Cai, quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020 thì thể tích nuôi cá nước lạnh tại các vùng có tiềm năng là 54.500 m3, nhưng đến nay theo báo cáo của các địa phương, số thể tích và diện tích nuôi loài cá này trên địa bàn tỉnh đã vượt quy hoạch khá nhiều.
Thừa nhận thực trạng việc chăn nuôi cá nước lạnh tự phát đang gây khó khăn cho ngành chăn nuôi cá đặc sản ở Lào Cai, ông Hải cho hay: Khi việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn thì người chăn nuôi nông hộ sẽ chịu sự tác động lớn và dễ bị thiệt hại nặng nhất. Còn các trang trại lớn dày vốn, có kinh nghiệm sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
"Đợt dịch này cũng có thể là cơ hội tốt giúp các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có ý thức hơn trong việc chăn nuôi cá chuyên nghiệp, có liên kết, đầu tư bài bản hơn", ông Hải nhấn mạnh.
Do đang vào thời điểm giao mùa, nguồn nước cung cấp cho các bể nuôi cá nước lạnh của bà con ở Sa Pa giảm dần khiến loài cá hồi dễ bị bệnh.
Không chỉ các hộ, trang trại nuôi cá hồi ở đây gặp khó khăn, tại Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh (thuộc Viện Nghiên cứu Thủy sản 1) có trụ sở tại Thác Bạc (Sa Pa) cũng đang tồn kho hàng chục vạn con cá giống, chưa có chỗ tiêu thụ.
"Chúng tôi cũng đang rất trăn trở, nếu tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và kéo dài thì việc cung cấp cá giống cho bà con các tỉnh cũng sẽ gặp thách thức lớn", ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Nguyên cứu cá nước lạnh khẳng định.
Người nuôi cá tầm vẫn "sống khoẻ"
Trong khi con cá hồi đang gặp "vận hạn" thì người nuôi cá tầm lại tỏ ra khá bình tĩnh vì vẫn tiêu thụ tốt, lại không bị cạnh tranh bởi các nguồn cá nhập lậu từ Trung Quốc về.
Là một trong những chủ trang trại gặp may mắn ở Sa Pa, năm nay bà Nguyễn Thị Nhàn ở Tả Van (Sa Pa) đầu tư vào nuôi trên 50 bể cá, trong đó có hơn 30 bể cá tầm. Bà Nhàn tiết lộ, do dịch bệnh nên nguồn cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam bị "cắt đứt", điều này đã giúp cho người chăn nuôi cá ở trong nước ít nhiều được hưởng lợi.
Nhiều trang trại ở Lào Cai đã đầu tư máy móc để chế biến cá hồi, cá tầm cung cấp cho thị trường.
Mới đây, trang trại nhà bà Nhàn xuất một đơn hàng lẻ hơn 1 tạ cá tầm cho khách ở Nghệ An với giá trên 200.000 đồng/kg. "Dù nhu cầu tiêu thụ cá tầm ở trong nước giảm nhiều do dịch Covid-19 nhưng chúng tôi vẫn bán lẻ được với giá cao trên 200.000 đồng/kg (cao hơn thời điểm có dịch khoảng trên dưới 40.000 đồng/kg)", bà Nhàn phấn khởi khoe.
Theo bà Nhàn, do chăn nuôi ở môi trường sạch, nguồn nước không bị ô nhiễm nên cá tầm tại trang trại của bà luôn sống khỏe, phát triển tốt. "Đến giờ cá tầm của tôi đã đạt trọng lượng trên 2kg/con, có thể xuất bán nhưng nếu để nuôi lâu, cá càng lớn sẽ càng được giá cao hơn", bà Nhàn khẳng định.
Khách mua cá nước lạnh tại trang trại của bà Nguyễn Thị Nhàn (áo trắng) ở Tả Van (Sa Pa).
Ông Tô Sơn, chủ một trang trại cá nước lạnh ở Tuần Giáo (Điện Biên) cho rằng, dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến cho thị trường tiêu thụ loại cá nước lạnh gặp khó khăn nhưng bà con vẫn túc tắc bán được.
"Dù Việt Nam đang trong những ngày phòng, chống dịch Covid-19 nhưng người tiêu dùng tại các hộ gia đình ở các tỉnh, thành vẫn ăn cá nước lạnh. Bởi thế nên người nuôi loài cá đặc sản này đừng lo lắng, khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời, sau khi hết dịch mọi thứ sẽ trở lại bình thường, chúng ta lại tiếp tục làm giàu hơn", ông Sơn khuyến cáo.