Phụ thuộc vào dầu thô Nga
Trong nhiều thập kỷ, dầu thô từ Nga đã chảy vào một nhà máy lọc dầu khổng lồ ở Schwedt, một thành phố công nghiệp trên sông Oder ở Đức, cung cấp việc làm cho hàng nghìn công nhân và là nguồn cung cấp xăng, nhiên liệu máy bay và dầu sưởi đáng tin cậy cho người dân Berlin.
Giờ đây, khi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đấu tranh để đồng ý với các điều khoản của lệnh cấm vận dầu mỏ nhằm trừng phạt Moscow vì chiến dịch quân sự, nhà máy lọc dầu Schwedt đã trở thành trở ngại lớn trong nỗ lực của Đức nhằm cắt đứt sự phụ thuộc vào dầu của Nga. Nguy cơ này đã làm dấy lên hồi chuông báo động đối với 1.200 nhân viên của nhà máy lọc dầu này.
Khoảng 1/3 lượng dầu Đức tiêu thụ phụ thuộc vào Nga. Ông Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế kiêm Phó Thủ tướng Đức, đã dành nhiều tuần để chuẩn bị cho lệnh cấm vận, từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tới Washington và đến Warsaw để sắp xếp các nguồn cung cấp dầu thô thay thế.
"1/3 lượng dầu phụ thuộc vào Nga là vấn đề lớn," ông Habeck nói trong một video nhằm giải thích tình hình cho người Đức. Và hầu hết lượng dầu của Nga được đưa qua nhà máy lọc dầu ở Schwedt.
Nhà máy lọc dầu này là một biểu tượng rõ ràng cho thấy nhu cầu dầu và khí đốt của Đức gắn liền với nước Nga - quốc gia xuất khẩu năng lượng khổng lồ ở phía đông của Đức. Nhà máy lọc dầu PCK thuộc sở hữu của Rosneft, công ty dầu khí quốc doanh của Nga. Nó được kết nối với đường ống Druzhba từ thời Liên Xô, một trong những đường ống dài nhất thế giới, đưa dầu từ các giếng ở Siberia đến Tây Âu.
Và hệ thống này vẫn là một phần thiết yếu trong nhu cầu năng lượng của Đức, sản xuất nhiên liệu cho Berlin - thành phố lớn nhất của Đức - và các khu vực lân cận, bao gồm cả các vùng của Ba Lan.
Giống như các khu vực khác của Đông Đức cũ, khu vực Schwedt chứng kiến nhiều người bị mất việc làm.
Tìm nguồn cung ứng đủ dầu để thay thế 12 triệu tấn dầu thô được chế biến mỗi năm ở Schwedt - thông qua các cảng của Đức và Ba Lan ở phía bắc - chỉ là một phần của vấn đề, bởi vì Rosneft đã nói với các quan chức Đức rằng họ không quan tâm đến việc vận hành nhà máy để lọc những lô dầu không phải của Nga.
Để giải quyết vấn đề đó, Quốc hội Đức vào tuần trước đã thông qua một đạo luật giúp chính phủ dễ dàng hơn trong việc thu giữ cơ sở hạ tầng thiết yếu thuộc sở hữu nước ngoài để ngăn chặn tình huống khẩn cấp quốc gia. Các quan chức Đức cho biết, nếu lệnh cấm vận dầu được thông qua, luật mới sẽ cho phép Berlin đảm bảo cung cấp đầy đủ các sản phẩm dầu cho đến khi tìm được một công ty khác mua lại cổ phần của Rosneft.
Shell, công ty năng lượng lớn nhất châu Âu, nắm giữ 37,5% cổ phần của PCK, gần đây cho biết rằng họ sẽ hỗ trợ nhà máy lọc dầu "ngay cả khi phải trả giá thiệt hại về kinh tế để duy trì nguồn cung cấp cho khu vực."
Vấn đề tại nhà máy lọc dầu
Năm ngoái, Shell đã tìm cách bán cổ phần của mình trong nhà máy lọc dầu và Rosneft đã tiến tới mua lại nhà máy này, nhưng Bộ Kinh tế Đức, cơ quan cân nhắc các khía cạnh chính trị và chiến lược của các khoản đầu tư nước ngoài, vẫn chưa chấp thuận giao dịch này. Một công ty năng lượng khác, Alcmene, một phần của công ty tư nhân năng lượng Anh Liwathon Group, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư vào Schwedt.
Alcmene cho biết trong một tuyên bố qua email: “Chúng tôi có thể đảm bảo cung cấp và sử dụng đầy đủ nhà máy lọc dầu PCK thông qua các cảng của Đức” mà không cần trợ cấp của chính phủ. Thủ tướng Olaf Scholz đã nói rõ rằng ông nhận thức được những lo ngại xung quanh nhà máy lọc dầu và coi việc đảm bảo tương lai của nó là một ưu tiên.
"Chúng tôi đang xem xét rất kỹ xem điều này có thể thực sự diễn ra như thế nào", ông nói trong một cuộc họp gần đây của đảng mình ở bang Brandenburg. "Chúng tôi cũng sẽ đảm bảo rằng các nhân viên không bị bỏ mặc".
Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế và Phó Thủ tướng Đức, gần đây đã gặp gỡ hàng trăm công nhân PCK lo sợ bị sa thải. Ảnh: Jens Schlueter/Agence France-Presse — Getty Images
Ngoài ra, nhà máy lọc dầu không chỉ là nguồn cung cấp dầu và thu nhập; nó còn là bản sắc của thành phố. Sau khi Liên Xô san bằng Schwedt vào cuối Thế chiến thứ hai, sự xuất hiện của đường ống dẫn dầu mới - với tên gọi Druzhba, có nghĩa là tình bạn trong tiếng Nga - và nhà máy lọc dầu vào cuối những năm 1960 đã thu hút hàng nghìn công nhân và gia đình của họ.
Ngày nay, khoảng 1/10 trong số 30.000 cư dân của thành phố nắm giữ các công việc được đảm bảo tại nhà máy lọc dầu và trong các ngành công nghiệp phụ trợ. Nhiều công nhân đã tận dụng cuộc họp với Phó Thủ tướng Đức tại nhà máy để đặt câu hỏi về cách tiếp cận của chính phủ.
"Tại sao chúng ta lại 'tát' đối tác kinh doanh rất đáng tin cậy trong nhiều thập kỷ bằng một lệnh cấm vận?" - một người đàn ông đã làm việc tại nhà máy lọc dầu hơn 27 năm đặt câu hỏi.
Một nhân viên khác, mẹ của 3 đứa con nhỏ, nói: "Mong muốn thực sự của tôi là giữ cho đường ống Druzhba hoàn toàn thoát khỏi lệnh cấm vận. Không có giải pháp thay thế nào mang lại lợi nhuận."
Ông Habeck nói với đám đông rằng nhà máy lọc dầu sẽ tiếp tục hoạt động. "Nếu mọi thứ hoạt động đúng như giấy tờ", dầu thô từ Na Uy hoặc Trung Đông có thể được vận chuyển từ các cảng Rostock, Đức và Gdansk, Ba Lan, cả hai đều được kết nối với nhà máy lọc dầu bằng đường ống.
Đồng thời, ông thừa nhận, có một số điểm trong quá trình này có thể gặp trục trặc. Cơ sở PCK, giống như các nhà máy lọc dầu khác, được thiết kế để xử lý loại dầu thô đặc thù đến từ Nga. Dầu thô từ các quốc gia khác sẽ phải được trộn với dầu được chứa trong các bể dự trữ trên bờ biển phía tây bắc của Đức để tạo ra một hỗn hợp thích hợp.
Khó tìm nguồn thay thế
Để đưa lượng dầu dự trữ đó đến đường ống ở Rostock sẽ cần hành trình 7 ngày bằng đường biển, bởi vì không có đường ống nào vượt qua ranh giới trước đây chia cắt Đông và Tây Đức và tuyến đường sắt hàng hóa chính của đất nước này hầu như không có toa chở dầu nào.
Một phức tạp tiềm ẩn khác: Chính phủ Ba Lan đang từ chối làm việc với các thực thể của Nga và họ đã nói với các quan chức Đức rằng chừng nào Rosneft còn quan tâm đến nhà máy lọc dầu, thì sẽ không có dầu đến từ Gdansk.
Các tòa nhà dân cư trên một trong những con phố chính ở Schwedt. Nhà máy lọc dầu vẫn là một phần thiết yếu trong nhu cầu năng lượng của Đức. Ảnh: Katrin Streicher / The New York Times
Ông Habeck nói với các nhân viên nhà máy lọc dầu: "Chúng tôi không thể chắc chắn hoàn toàn về bất cứ điều gì chúng tôi đang làm. Nhưng ít nhất nó đã được thảo luận kỹ lưỡng và suy nghĩ thấu đáo."
Cuối cùng, ông Habeck và các quan chức địa phương muốn các nhà máy lọc dầu từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và tập trung vào chế biến năng lượng tái tạo. Trong những năm gần đây, PCK đã đầu tư phát triển nhiên liệu tổng hợp với trọng tâm là hydro. Verbio, một công ty sản xuất ethanol từ các nguồn địa phương, đã hoạt động tại địa điểm của nhà máy lọc dầu, cung cấp năng lượng sinh học vào hệ thống sưởi của thành phố.
Các quan chức ở Berlin nhấn mạnh sức hấp dẫn kinh tế của khu vực xung quanh, đề cập nhà máy lắp ráp Tesla mới hoàn thành và thông báo của Intel về cơ sở sản xuất chip trị giá 19 tỷ đô la.
Carsten Schneider, trợ lí của Thủ tướng Scholz tại miền đông nước Đức, cho biết cả hai công ty đều được thu hút bởi nguồn năng lượng tái tạo dồi dào.
Ông nói: "Tôi đảm bảo với họ rằng chính phủ Đức sẽ không bỏ rơi họ mà sẽ nỗ lực, cho cả một giải pháp ngắn hạn nhằm đảm bảo nguồn dầu từ một nơi khác và cho quá trình tái cơ cấu dài hạn theo hướng sản xuất năng lượng tái tạo".
Thị trưởng thành phố, Annekathrin Hoppe, cho biết bà muốn thành lập một khuôn viên cho các công ty khởi nghiệp, cơ sở ươm tạo và các nhà đổi mới năng lượng khác gần nhà máy lọc dầu để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sản xuất năng lượng xanh. Tuy nhiên, theo bà, điều đó sẽ đòi hỏi "số tiền hàng triệu hoặc hàng tỷ đô la Mỹ".
Bà cho biết, bất chấp mọi sự chú ý mà các chính trị gia từ Berlin đã đổ dồn về thành phố này, bà vẫn chưa thấy mốc thời gian hoặc bất kỳ đảm bảo cụ thể nào rằng mọi người sẽ có thể giữ được công việc của họ, hoặc bất kỳ cam kết hỗ trợ tài chính nào.
"Đó là một khởi đầu tốt," bà nói về những chuyến thăm liên tục trong những tuần qua. "Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu."