Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) đánh giá: Năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế, doanh nghiệp, đời sống của người lao động. Thực tế này đã khiến Hội đồng cân nhắc hơn trong việc quyết định có tăng lương tối thiểu vùng vào năm 2021 không.
Phó Trưởng Ban này cho biết: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra hai phương án. Phương án thứ nhất, nếu chưa thống nhất được, sẽ tạm không bàn tới việc điều chỉnh tăng, và tới đầu quý 1, hoặc quý 2 năm 2021, sẽ căn cứ tình hình thực tế để thảo luận tiếp. Phương án thứ hai là xem xét việc điều chỉnh từ sau tháng 7/2021, dựa vào tình hình thực cụ thể lúc đó.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: "Chúng tôi đã có văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, bày tỏ về quan điểm về việc điều chỉnh hay là không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021. Qua tình hình thực tế, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu khiến giãn cách, đứt đoạn các chuỗi cung ứng và nguyên liệu đầu vào. Nhiều ngành đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là dệt may, da giày và ngành sử dụng nhiều lao động".
"Chúng tôi kiến nghị không điều chỉnh lương tối thiểu trong thời gian tới, đảm bảo được cho doanh nghiệp có cơ hội để hồi phục" - ông Phòng kết luận.
Theo ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH): Sau khi đánh giá ý kiến của các bên, cân nhắc tình hình thực tế; Hội đồng quyết định đưa ra hai nội dung bỏ phiếu, gồm: Không điều chỉnh lương tối thiểu 2021 và chưa áp dụng việc tính lương tối thiểu theo giờ. Về việc bỏ phiếu, các bên có quyền được bỏ phiếu hoặc không bỏ là tuỳ theo quyền của mình...
Dựa trên kết quả bỏ phiếu, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ có công văn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ.