Mô tả việc tham gia vào công cuộc chuẩn chị cho 2 Hội nghị cấp cao trực tuyến ASEAN và ASEAN+3 là sự kiện lịch sử của đời người, ông Vũ Hồ nhấn mạnh thành công của của ASEAN Summit và ASEAN+3 Summit lần này không chỉ cho thấy sự đồng sức đồng lòng của các nước ASEAN và các đối tác trong việc chống lại đại dịch mà còn thể hiện cho dù có điều gì xảy ra thì ASEAN vẫn triển khai được cam kết và quyết tâm của mình.
Thách thức chưa từng có từ cuộc họp của 13 nhà lãnh đạo trên ít nhất 5 múi giờ
Các nước ASEAN và đối tác đánh giá như thế nào về công tác tổ chức sự của Việt Nam trong các Hội nghị cấp cao trực tuyến ASEAN và ASEAN+3 lần đầu tiên vừa diễn ra ngày 14/4?
Các nước đánh giá rất cao công tác tổ chức cũng như điều hành của Việt Nam trong cả 2 hội nghị lần này. Đây là sự kiện đầu tiên mà lãnh đạo các nước ASEAN cũng như ASEAN + 3 tham gia Hội nghị với hình thức trực tuyến. Do chưa từng có tiền lệ nên công tác chuẩn bị được Việt Nam tiến hành rất sớm với sự tham gia của đầy đủ tất cả các bộ, ngành cũng như ban thư ký ASEAN quốc gia.
Trong công tác tổ chức 2 Hội nghị đặc biệt này, đâu là thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải vượt qua để gặt hái được thành công?
Như tôi đã nói, đây là các Hội nghị đầu tiên với sự tham gia của các lãnh đạo ASEAN cũng như khu vực Đông Á được tổ chức trực tuyến. Trở ngại đầu tiên là quy định của các nước. Nhiều quốc gia chưa có quy định cụ thể về tổ chức hội nghị trực tuyến chứ chưa nói đến sự kiện có sự tham gia của các lãnh đạo. Thứ hai là sự khác nhau của các nước trong cách tiếp cận vấn đề được đưa ra trao đổi tại hội nghị, đặc biệt là những trao đổi xung quanh việc hợp tác chống lại Covid-19. Đây là 2 khó khăn lớn nhất.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, có rất nhiều thách thức được đặt ra. Chẳng hạn như về công nghệ, mỗi nước có một nền tảng kỹ thuật riêng cũng như quy định riêng về đảm bảo an ninh mạng hay cách tiếp cận trong việc triển khai sử dụng phần mềm nào để có thể tổ chức được hội nghị trực tuyến.
Cũng có khó khăn khác như 2 hội nghị lần này được tổ chức trên ít nhất 5 múi giờ khác nhau. Với 5 múi giờ như vậy, làm sao bố trí để các lãnh đạo cùng tham gia vào cùng 1 thời điểm là không hề dễ dàng. Thời gian của các lãnh đạo không nhiều, việc bố trí cho lãnh đạo của 13 nước cùng tham dự qủa thực là một thách thức lớn. Nhưng rồi Việt Nam cũng đã vượt qua.
Việc tổ chức thành công tác động như thế nào đến vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm nay?
Tổ chức hội nghị lần này, Việt Nam đưa ra 3 thông điệp lớn là đoàn kết và nhất trí phòng chống, kiểm soát để có thể cùng nhau chiến thắng bệnh dịch. Điều này vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh tất cả các nước, tất cả các nền kinh tế trên thế giới đều có sự liên kết với nhau, đều có kết nối và phụ thuộc cao lẫn nhau. Hiện nay, đoàn kết và nhất trí là một trong những tiêu chí đầu tiên để có thể phòng chống bệnh dịch.
Thứ 2 là thông điệp của Việt Nam đưa ra là trong tiến trình khu vực. Cũng tương tự như trong các tiến trình khu vực khác, ASEAN vẫn phải đóng vai trò trung tâm trong tất cả các hợp tác của khu vực, bao gồm cả hợp tác phòng chống dịch bệnh.
Thông điệp thứ 3 là cho dù bất cứ điều gì xảy ra, dù diễn biến dịch bệnh như thế nào thì đây cũng chỉ là sự cố trong cả 1 tiến trình dài của hợp tác ASEAN. Cái quan trọng nhất là các nước vẫn duy trì được tinh thần đối thoại và hợp tác, cùng nhau vượt qua khó khăn và tiến tới tương lai.
Hội nghị cũng có những kết quả khác. Lãnh đạo các nước cũng đưa ra những đề xuất cụ thể về tổ chức hợp tác để phòng chống bệnh dịch, với một số điểm lớn. Thứ nhất là chia sẻ thông tin và bài học kinh nghiệm trong phòng chống bệnh dịch. Thứ 2 là phối hợp trong chính sách chung của các quốc gia để cùng nhau kiểm soát dịch bệnh. Thứ 3 là cùng nhau trao đổi về phương hướng khôi phục lại kinh tế và hợp tác sau khi dập dịch.
Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao). Ảnh: VOV
Như tôi được biết, việc chuẩn bị về mặt kỹ thuật cho 2 Hội nghị Cấp cao trực tuyến này diễn ra trong thời gian chỉ khoảng vài tuần. Các bên đã phối hợp như thế nào với nước chủ nhà Việt Nam để đảm bảo thành công cho các cuộc họp?
Đúng như vậy. Trên phương diện kỹ thuật, việc chuẩn bị đâu đó diễn ra trong 2 – 3 tuần. Dù không nhớ chính xác khoảng thời gian bao lâu nhưng tôi chắc chắn rằng công tác chuẩn bị kỹ thuật cho các hội nghị cấp cao ASEAN và ASEAN + 3 trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử chỉ diễn ra trong chưa đầy 1 tháng.
Công việc này được tiến hành rất ráo riết, ở đủ tất cả các cấp, từ cấp làm việc tới cấp Bộ trưởng và cấp cao. Phải nói rằng, trong quá trình chuẩn bị, Bộ Ngoại giao, của Chính phủ cùng các cấp lãnh đạo cấp cao của đất nước chỉ đạo thường xuyên và liên tục, đến tận từ chi tiết rất nhỏ, để đảm bảo thành công của hội nghị.
Theo đánh giá của ông, những kinh nghiệm từ cuộc họp ngày hôm vừa diễn ra sẽ giúp ích như thế nào cho các sự kiện khác của ASEAN trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay?
Căn cứ vào Hiến chương ASEAN, Hội nghị Cấp cao là cơ quan cao nhất đề ra các quyết sách trong hợp tác xây dựng cộng đồng của ASEAN. Với việc tổ chức thành công các hội nghị này đã thể hiện rõ rằng cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, dịch bệnh có diễn biến phức tạp thế nào, thì tinh thần đoàn kết của ASEAN vẫn được thể hiện. Các hội nghị của ASEAN vẫn được triển khai theo đúng quy trình thủ tục của ASEAN. Cho dù đó có là hội nghị trực tiếp hay trực tuyến thì vẫn được tổ chức đầy đủ.
Cuộc họp lịch sử với hạ tầng Make in Vietnam và bước đà cho chuyển đổi số
Hạ tầng và ứng dụng họp trực tuyến lần này là một sản phẩm hoàn toàn Make in Việt Nam, do Viettel thực hiện. Trong quá trình chuẩn bị hạ tầng cho hội nghị, cảm nhận của ông ra sao khi một công ty Việt Nam chứ không phải là một hãng lớn của nước ngoài làm hạ tầng công nghệ?
Tôi cho rằng đây là sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ của Việt Nam. Việc một công ty Việt Nam có thể xây dựng được nền tảng cũng như xử lý mọi vấn đề để sự kiện diễn ra ra trôi chảy như vậy đã là thành công rất lớn.
Thực tế, việc đảm bảo cho âm thanh và hình ảnh của hội nghị chỉ là 1 phần của vấn đề. Bên cạnh đó, chúng ta phải tính tới một nền tảng có thể hài hòa được nền tảng kỹ thuật khác nhau của các nước tham gia Hội nghị.
Bên cạnh đó, do tham dự hội nghị là lãnh đạo cấp cao của các nước nên không chỉ gấp rút về mặt thời gian mà còn phải đảm bảo được hình ảnh của họ trước công chúng. Dù khó khăn là vậy nhưng chúng ta cũng vượt qua được.
Ngoài ra, theo tôi hiểu, các vấn đề khác được đặt ra như an ninh mạng, bảo đảm đường truyền cũng như mọi thứ về hạ tầng cơ sở…. Chuẩn bị chu đáp và làm tốt tất cả những điều này giúp sự kiện diễn ra một cách trôi chảy và không có bất cứ sự cố nào xảy ra trước trong và sau hội nghị. Qua đó, chúng tôi đánh giá rất cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia hỗ trợ và phục vụ cho hội nghị lần này.
Khi họp trực tuyến với hạ tầng này, theo quan sát của ông thì các nước tham gia cảm nhận về chất lượng Hội nghị ra sao?
Các chuyên gia quốc tế về công nghệ thông tin cùng tham gia vào công tác tổ chức lần này đánh giá rất cao chất lượng hệ thống họp trực tuyến cũng như hạ tầng kỹ thuật và năng lực của phía Việt Nam trong việc triển khai hạ tầng cơ sở cũng như các kết nối như hình ảnh, âm thanh và thời gian.
Trong quá trình này, việc chạy thử nghiệm các đường truyền và hạ tầng viễn thông diễn ra thường xuyên, liên tục. Việc thử được tiến hành hàng ngày. Các nước đánh giá rất cao công tác chuẩn bị về mặt kỹ thuật của Việt Nam trong sự kiện lần này.
Có kỷ niệm nào trong quá trình chuẩn bị lần này khiến anh ấn tượng sâu sắc không?
Tôi có rất nhiều kỷ niệm. Riêng bản thân việc tổ chức được sự kiện lần này cũng đã là một kỷ niệm lớn trong đời. Không dễ gì mà có thể quy tụ được 13 lãnh đạo cấp cao nhất của các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, cùng ngồi lại với nhau đều trao đổi. Dù những vấn đề được thảo luận rất gai góc và khó khăn trong việc xây dựng chiến lược chung trong phòng chống Covid-19 nhưng đây thực sự là kỷ niệm lớn.
Thực tế, việc tổ chức Hội nghị cấp cao bao giờ cũng rất là phức tạp với nhiều vấn đề phải giải quyết. Rất may, lần này, các vấn đề được giải quyết êm thấm trên các nền tảng họp trực tuyến. Kể cả trong đàm phán văn kiện cũng như trao đổi bình thường giữa các cấp cũng đều diễn ra trực tuyến. Đó là một kỷ niệm lớn.
Trong suốt chiều dài phát triển của ASEAN, chưa bao giờ có họp cấp cao trực tuyến cả. Kể cả năm 2003, khi khu vực phải đối mặt với đại dịch SARS, ASEAN cũng chưa bao giờ có chuyện phải tổ chức họp lãnh đạo trực tuyến. Điều đó làm cho cuộc họp lần này càng trở nên ý nghĩa.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, từ kế quả của các cuộc họp, ông có cho rằng chuyển đổi số sẽ trở thành bước ngoặt trong cách vận hành ASEAN?
Phải nói rằng chuyển đổi số được ASEAN trao đổi từ lâu rồi nhưng chưa có dịp để đưa ra thử nghiệm. Các cuộc họp lần này chính là thử nghiệm lớn cho các chính sách, quyết sách của ASEAN từ trước tới nay về công nghệ truyền thông lẫn về đời sống số.
Nó cũng không phải là bước ngoặt mà nói chính xác hơn, đây là sự thúc đẩy, bước đệm cuối cùng trước khi ASEAN chuyển hẳn sang đời sống số. Với cách nhận thức như vậy, không thể nói bệnh dịch bắt ASEAN phải chuyển đổi số nhưng nó là tiền đề mới cho sinh hoạt trong khu vực. Nó là chất xúc tác để đẩy nhanh tiến trình này. Nó cũng đảm bảo rằng cho dù có điều gì xảy ra thì ASEAN vẫn triển khai được cam kết và quyết tâm của mình.