Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo rà soát cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Báo cáo được trình bày tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tổ chức tại Tây Ninh, ngày 5/5.
Đánh giá về thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vùng Đông Nam Bộ có đầy đủ 5 phương thức vận tải và là đầu mối giao thông vận tải lớn của cả nước.
Mạng đường bộ trong vùng đã hình thành các trục huớng tâm TP.HCM với các đường cao tốc, quốc lộ. Vùng đã khép kín đường Vành đai 2, và đang dần hình thành đường Vành đai 3
Hiện tại, vùng Đông Nam Bộ có 108,2 km đường bộ cao tốc được công bố chính thức khai thác (không kể các tuyến đường dẫn).
Mật độ đường cao tốc của vùng là 0,004 km/km2 (trong khi mật độ cao tốc của vùng Đồng bằng sông Hồng là 0,022 km/km2).
So sánh với các vùng khác trong cả nước thì số km đường cao tốc đưa vào khai thác của vùng Đông Nam Bộ chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên, trong khi đây là một trong những vùng kinh tế năng động phát triển nhất cả nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sửc lan toả của vùng. Một số công trình trọng điểm lại đang chậm tiến độ.
Đánh giá về huy động nguồn lực, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư công của vùng Đông Nam Bộ trong 2 năm gần đây sụt giảm mạnh, xuống -9,7%/năm do dịch Covid-19 và những biến động trên thị trường thế giới.
Đồng thời, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư ngoài ngân sách của vùng Đông Nam Bộ trong 2 năm gần đây sụt giảm mạnh, xuống -9,2%/năm.
Về hệ thống chính sách pháp luật hiện hành đối với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối, hạn chế phát triển hệ thống giao thông của vùng có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là vướng mắc về cơ chế, chính sách nên chưa khơi thông được nguồn lực đầu tư, đầu tư chưa đồng bộ, chưa theo tiến độ quy hoạch, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội của vùng cũng như cả nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, muốn thu hút đầu tư, tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới, vùng Đông Nam Bộ phải ưu tiên nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông liên kết nội vùng; các tuyến cao tốc lớn kết nối vùng ĐBSCL, Tây Nguyên; và kết nối với các cảng biển, sân bay, khu vực biên giới với các cửa khẩu.
Theo đó, từ nay đến năm 2030, vùng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mạng lưới hạ tầng giao thông cùa Vùng ; theo quy hoạch đã được phê duyệt.