Phong phú các mô hình ND bảo vệ môi trường
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn và Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà dự và chủ trì hội nghị.
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn và Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà ký chương trình phối hợp giữa hai bên giai đoạn 2018 – 2023. Ảnh: T.H
Bộ TNMT trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp tài nguyên và môi trường; 20 Bằng khen của Bộ cho các tập thể, cá nhân Hội NDVN đã có thành tích xuất sắc, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa hai bên giai đoạn 2011 – 2017 về lĩnh vực tài nguyên và MTNT. |
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn, T.Ư Hội NDVN đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch số 02 về tăng cường phối hợp thực hiện hành động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nông thôn (MTNT) giữa Hội NDVN và Bộ TNMT giai đoạn 2011 – 2017.
Theo đó, qua 7 năm triển khai, nghị quyết liên tịch đã tạo được cơ chế phối hợp đồng bộ, phát huy sức mạnh của Hội ND các cấp; cán bộ, hội viên ND tích cực tham gia bảo vệ MTNT. Các cấp hội đã kiên trì “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, làm phải có chất lượng và hiệu quả” về bảo vệ tài nguyên, môi trường đến hội viên ND.
Cụ thể, trong 7 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức hơn 25.000 lớp tập huấn cho hơn 2,2 triệu lượt hội viên về kiến thức bảo vệ môi trường. Qua đó đã hình thành và nâng cao được ý thức trách nhiệm, tự giác trong lĩnh vực bảo vệ MTNT, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho cán bộ, hội viên, ND.
Điểm sáng đáng chú ý trong chương trình phối hợp là các cấp Hội đã phát động, xây dựng được nhiều mô hình bảo vệ MTNT phong phú và hiệu quả. Điển hình như: Xây dựng được 420 mô hình có chi hội ND “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”; các mô hình điểm thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn.
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn phát biểu tại hội nghị.
Hay như mô hình xử lý chất thải bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế trang trại của Hội ND 19 tỉnh, thành; bảo vệ môi trường làng nghề thủ công truyền thống gắn với xây dựng NTM tại các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Bạc Liêu; mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng đồng ở 56/63 tỉnh, thành; mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên và TP.Hà Nội…
Thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị, Hội đã tích cực tham gia đoàn giám sát, phản biện thực hiện chính sách phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Bộ NNPTNT và BộTNMT. Các cấp Hội luôn phát huy vai trò và trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền lợi cho ND, tham gia xử lý các điểm nóng về môi trường; nắm bắt và phản ánh với cấp ủy, chính quyền về những bức xúc, nguyện vọng của ND về ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn...
3 vấn đề bức xúc và 6 giải pháp
Trong khuôn khổ hội nghị, T.Ư Hội NDVN đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì giai cấp nông dân Việt Nam và 11 bằng khen của T.Ư Hội cho các tập thể, cá nhân thuộc Bộ TNMT. |
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn khẳng định, thông qua sự phối hợp hoạt động của 2 cơ quan, công tác bảo vệ MTNT đã có những tiến bộ nhất định, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Công tác thông tin, tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, ND về tài nguyên, môi trường và những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở nông thôn được tăng cường.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Lại Xuân Môn, bên cạnh những kết quả trên, việc triển khai chương trình cũng bộc lộ 3 tồn tại, hạn chế. Đó là ô nhiễm môi trường nước ta nói chung và ở nông thôn nói riêng đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ; khai thác không hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường không tốt đã dẫn đến hệ lụy mất cân bằng sinh thái, biến đổi khí hậu; diện tích đất nông nghiệp ngày càng hạn hẹp. Trong đó có những diện tích đất đai, sông hồ… mang lại giá trị cao cho sản xuất nông nghiệp nhưng đã bị các nguồn nước thải, rác thải, khí thải công nghiệp “tấn công” mạnh mẽ, gây ô nhiễm.
Tính sơ bộ, năm 2017 Hội ND tổng hợp có 52 vụ việc làm ô nhiễm MTNT nghiêm trọng, gây bức xúc trong nông dân. Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay, Hội ND cũng đã tiếp nhận, chuyển cơ quan chức năng và tham gia giải quyết hơn 82.330 đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Để giải quyết tốt các vấn đề trên, trong chương trình phối hợp trong giai đoạn 2018 - 2023, Chủ tịch Lại Xuân Môn đề ra 6 nhóm giải pháp, trong đó phát huy vai trò của Hội trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động hội viên, ND tham gia bảo vệ, tài nguyên môi trường, lấy gương ND giỏi làm nòng cốt thực hiện mô hình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, Chủ tịch Lại Xuân Môn đề nghị Hội ND các cấp tiếp tục chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của ND.
“Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Hội, kịp thời nắm bắt đầy đủ những khó khăn, bức xúc của ND về chính sách đất đai, khai thác khoáng sản trái phép, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường để gửi đến Bộ TNMT cũng như kiến nghị với Đảng, Nhà nước có giải pháp tháp gỡ những khó khăn, bất cập” - Chủ tịch Lại Xuân Môn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với Chủ tịch Lại Xuân Môn, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đánh giá cao vai trò của Hội NDVN trong việc phối hợp thực hiện Nghị quyết liên tịch số 02 giữa Hội NDVN và Bộ TNMT giai đoạn 2011 – 2017. “Hiện nay, nông dân Việt Nam chiếm trên 70% dân số, sinh sống trên phạm vi rộng lớn. Vì vậy, việc quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên ở địa bàn nông thôn luôn có tác động trực tiếp đến người ND. Thời gian tới, Bộ TNMT đề nghị Hội NDVN tiếp tục phát huy vai trò, vị thế nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp thực hiện hành động trong lĩnh vực tài nguyên và MTNT giữa hai bên giai đoạn 2018 – 2023” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.