Tái sản xuất xà bông Cô Ba sau hơn 1,5 năm
Công ty Cổ phần đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền (An Dương Thảo Điền) bắt đầu tiếp quản Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Phương Đông (Công ty Phương Đông) vào quý 4/2017 sau khi thực hiện M&A. Theo báo cáo tài chính năm 2017, An Dương Thảo Điền đã chi 213,6 tỷ đồng để sở hữu 30,88% vốn điều lệ của Công ty Phương Đông.
Công ty Phương Đông đã ngưng sản xuất xà bông Cô Ba hơn 1,5 năm. |
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, ông Nguyễn Nhân Bảo, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc An Dương Thảo Điền cho biết: Thương vụ M&A của An Dương Thảo Điền tại Công ty Phương Đông có 2 mục tiêu.
Mục tiêu đầu tiên là có quỹ đất gần 10.000 m2 ngay trung tâm, nhiệm vụ chính của An Dương Thảo Điền cố gắng biến đổi dự án bất động sản ấy thành dự án cốt lõi tạo ra lợi nhuận cho cổ đông.
Mục tiêu thứ 2 là triển khai sản phẩm xà bông Cô Ba. An Dương Thảo Điền đặt kế hoạch khôi phục sản xuất xà bông Cô Ba vào quý 2, muộn nhất vào quý 3/2018 vì giá trị thương hiệu rất lớn. Ở Việt Nam những thương hiệu nằm tiềm ẩn trong nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam có bề dày lịch sử như xà bông Cô Ba, kem đánh răng Hynos, nước suối Vĩnh Hảo.. là rất hiếm. An Dương Thảo Điền tham gia ngành hóa mỹ phẩm này là một cơ hội cực kỳ lớn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nhân Bảo cho rằng, sản xuất hóa mỹ phẩm không phải là thế mạnh của An Dương Thảo Điền vì thế mạnh của công ty vẫn là bất động sản. An Dương Thảo Điền đang lựa chọn phương án đàm phán và kết hợp với những đối tác rất mạnh trong lĩnh vực FMCG. Trước mắt, công ty không có kế hoạch mở rộng sản xuất cũng như đầu tư quá nhiều cho việc tham gia thị trường FMCG này.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, ông Nguyễn Nhân Bảo cho rằng thương hiệu xà bông Cô Ba và truyền thuyết về ông Trương Văn Bền đã tạo cảm hứng không chỉ riêng ban điều hành An Dương Thảo Điền mà kể cả cổ đông cũng như công chúng. Ảnh: Nguyễn Như |
Trong năm 2018, An Dương Thảo Điền không đặt mục tiêu quá cao doanh thu cho xà bông Cô Ba vì việc giới thiệu lại dòng sản phẩm có nhiều thách thức và nhất là công ty chưa có ngân sách phù hợp để làm marketing và mở rộng kênh phân phối. Vì vậy, An Dương Thảo Điền đặt mục tiêu cho ban điều hành Công ty Phương Đông một cách khiêm tốn nhưng phải đạt 2 mục tiêu là khẳng định lại thương hiệu và khôi phục được kênh phân phối truyền thống của Phương Đông để phân phối lại sản phẩm xà bông Cô Ba.
Sau khi xà bông Cô Ba được người tiêu dùng chấp nhận và kênh phân phối đã được xây dựng lại thì công ty sẽ đầu tư đúng mực để làm PR, marketing, sale phù hợp tiềm năng và tầm vóc của thương hiệu này.
Vốn lớn, lãi thấp, cổ phiếu kém hấp dẫn
Với vốn điều lệ 1.011 tỷ đồng, An Dương Thảo Điền thuộc nhóm công ty bất động sản trung bình. Với vốn điều lệ hơn ngàn tỷ nhưng doanh thu và lợi nhuận tạo ra hàng năm của công ty tương đối thấp.
Trong giai đoạn năm 2013-2017, đỉnh cao doanh thu thuần là năm 2014 với 101,8 tỷ đồng. Các năm còn lại chỉ xoay quanh con số 50 tỷ đồng. Tương tự, lợi nhuận hàng năm của An Dương Thảo Điền nằm trong mốc 10-30 tỷ đồng. Chỉ số thu nhập cổ phiếu (EPS) chỉ 100-300 đồng/cổ phiếu.
Biểu đồ doanh thu, lợi nhuận của An Dương Thảo Điền giai đoạn 2013-2017 (ĐVT: tỷ đồng). Ảnh: Nguyễn Như |
Do các chỉ số kém hấp dẫn nên cổ phiếu HAR của An Dương Thảo Điền được nhà đầu tư định giá ở mức thấp. Trong giai đoạn 2013-2017, cổ phiếu HAR giao dịch xung quanh mệnh giá, thậm chí có thời gian dài, cổ phiếu này chỉ dao động quanh vùng 5.000 đồng/cổ phiếu.
Năm 2017, công ty đạt 98 tỷ đồng tổng doanh thu (gồm doanh thu thuần và doanh thu hoạt động tài chính) và 28,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong năm 2018, công ty đặt kế hoạch doanh thu 150 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng.
Nguyễn Như