Giúp nông dân tiếp cận sản xuất hiện đại
Chọn “vùng đất chết” quanh năm nước ngập, nhiễm phèn ở nông trường Phạm Văn Hai (Bình Chánh, TP.HCM) để thí điểm và trình diễn, đến nay, mô hình của Trường Thịnh đã được nhiều sở ngành công nhận và nông dân nhiều nơi quan tâm.
Rau được trồng trên nền đất trải bạt nhựa nên không phải tốn công xử lý đất, làm cỏ, lại không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu nên hạ được giá thành sản phẩm. Mô hình này còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường vì tận dụng được các phế thải nông nghiệp như lục bình, cỏ dại, các loại rác thải hữu cơ từ chợ đầu mối. Rau quả trồng trong nhà màng để phòng trừ sâu bệnh hại.
Mô hình trồng rau hữu cơ trên giá thể trong nhà màng của HTX Trường Thịnh. ảnh: Ngọc Vũ
Sau thành công bước đầu, Trường Thịnh đang tiếp tục thử nghiệm hệ thống nhà kính giá rẻ, thích ứng với điều kiện thời tiết miền Nam.
Miền Nam có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhưng nhiều người tiêu dùng mất niềm tin vào nông sản trong nước. Bản thân HTX cũng trăn trở mọi cách để cải tiến cách làm, công nghệ sao cho tiết kiệm, hiệu quả cao nhất để nhiều nông dân nghèo tiếp cận phương thức sản xuất hiện đại, hiệu quả.
Gần đây, khái niệm nông nghiệp 4.0 được bàn tán nhiều. Bản thân tôi sau chuyến đi học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Hàn Quốc mới đây, thấy nông nghiệp của chúng ta vẫn còn bỡ ngỡ, nhiều yếu kém.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải chuyển đổi mô hình sản xuất, sau đó là chuyển đổi cả cách thức tiếp cận và nghiên cứu, ứng dụng trong nông nghiệp.
Phải thay đổi tư duy
Cách mạng công nghiệp 4.0 được vận hành trên nền tảng số hóa, kết nối internet với các công cụ, thiết bị hiện đại. Với nông nghiệp, muốn số hóa thì phải tương thích ở cả 3 bộ phận. Phải có thị trường chuẩn, nông dân đạt chuẩn, hệ thống hỗ trợ cũng phải chuẩn thì 4.0 mới triển khai được. |
Với nông dân, để họ sẵn sàng chuyển đổi thì phải bắt đầu thay đổi từ tư duy. Đa số nông dân còn duy trì quan niệm sản xuất cũ: lượng nhiều hơn chất. Mà nói đến chất lượng cũng chỉ mang tính chung chung. Từ đó dẫn đến việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao năng suất, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Qua thực tế canh tác và kinh doanh, HTX chúng tôi nhất quán tiêu chí dù giá thành sản phẩm cao nhưng càng làm sạch thì càng bán nhanh, lợi nhuận nhiều. Chính lợi nhuận sẽ bù lại cho phần sản lượng, lại được người tiêu dùng tin tưởng.
Ngay cả cách thức tiếp cận, nghiên cứu và ứng dụng vào trồng trọt cũng phải thay đổi. Công nghệ cao là nghiên cứu kỹ đặc điểm sinh trưởng của từng loại cây trồng, các điều kiện sinh thái tự nhiên ảnh hưởng đến cây trồng. Rồi dùng công nghệ để hỗ trợ, thúc đẩy chứ không nên can thiệp thô bạo.
Ví dụ, thay vì tìm diệt sâu bệnh bằng đủ mọi phương cách với đủ các loại thuốc, nông dân Hàn Quốc dùng hệ thống quạt, quay bằng gió thiên nhiên, nối trục dẫn truyền xung động xuống mặt đất để đuổi chuột. Hoặc đến mùa cây thụ phấn thì đặt lồng nuôi ong trong nhà kính để tự chúng đi tìm hoa hút mật…
Việc tiếp theo là rút ngắn khoảng cách giữa nhà khoa học và nông dân. Phải chuyển giao được kỹ thuật cao xuống tận cơ sở một cách hiệu quả để từ đó nông dân có thể truyền dạy cho chính nông dân. Hình thức phân phối cũng phải theo chuỗi giá trị khép kín.
Hiện nay chúng ta cứ nói tới liên kết các nhà nhưng thực ra vẫn chưa liên thông được với nhau. Không thông suốt được thì làm sao ứng dụng 4.0. Các tổ chức liên quan làm nông nghiệp phải có cách kết nối. Mỗi khâu lại có một bộ lọc để chọn ra những thành phần thích hợp nhất để tương thích với nhau.
Ví dụ, nông dân sản xuất không đạt chuẩn, sản phẩm làm ra không đạt chuẩn với siêu thị chuẩn quốc tế tại Việt Nam thì làm sao kết hợp được. Khâu trung gian phải tương thích với khả năng thực tế của nông dân chứ công nghệ quá hiện đại, giá thành quá cao làm sao khả năng của dân nghèo tương thích được./.