Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) chính thức chọn ngày 16/6 hàng năm là Ngày không tiền mặt.
Ngày không tiền mặt – 16/6 là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ. Đây là thời điểm bắt đầu vào mùa du lịch, mua sắm giữa năm.
Trong ngày hôm nay, nhiều công ty fintech, các ngân hàng, và rất nhiều đơn vị khác tổ chức các chương trình ưu đãi nhắm đến khách hàng thanh toán bằng các phương tiện số.
Một loại thẻ thanh toán không chạm của ngân hàng tại Việt Nam - Ảnh: Hải Đăng
Ngày không tiền mặt và những sự kiện kèm theo nằm trong những hoạt động tiêu biểu, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Phát biểu tại Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” hồi đầu tuần này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra 5 lợi ích quan trọng của việc triển khai xã hội không tiền mặt.
Đầu tiên, có sự tiện lợi và giảm chi phí cho người dân và cho doanh nghiệp. “Tôi đọc báo gần đây thấy cảnh phụ huynh xếp hàng đóng tiền học bán trú cho con, việc này vừa lãng phí thời gian và lãng phí công sức”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.