Dự kiến sau phần phát biểu khai mạc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ báo cáo đánh giá thực trạng du lịch Việt Nam trước và sau đại dịch, giải pháp đột phá thời gian tới.
Phiên thảo luận sẽ có lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương; đại diện các doanh nghiệp du lịch.
Du lịch là ngành kinh tế mang tính đặc thù, liên ngành, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Phục hồi và phát triển du lịch được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, tổng số khách du lịch nội địa ước đạt trên 101,3 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng.
Tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2022 - khu vực châu Á và châu Đại Dương, ngành du lịch Việt Nam đã nhận được 16 giải thưởng du lịch, tiếp tục khẳng định thương hiệu, vai trò và vị thế của du lịch Việt Nam trong khu vực và toàn thế giới, tạo nên bức tranh đầy màu sắc và hấp dẫn của ngành du lịch Việt Nam khi khép lại hoạt động du lịch năm 2022.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước, đồng thời phục vụ 20 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85.600 tỷ đồng.
Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực song ngành du lịch vẫn còn phục hồi chưa được như kỳ vọng. Trong đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 mới chỉ bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra (5 triệu lượt). Con số này cũng ít hơn nhiều so với 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19.
Du lịch Việt Nam cũng đang chịu sức ép không nhỏ trong cuộc đua cạnh tranh hút khách quốc tế với một số thị trường như Thái Lan, Singapore, Indonesia... để đạt mục tiêu đón 8 triệu lượt năm nay.
Một số nguyên nhân chính khiến Việt Nam còn hạn chế trong việc hấp dẫn khách quốc tế được doanh nghiệp, chuyên gia chỉ ra liên quan tới visa còn hạn chế, số lượng miễn thị thực còn ít (hiện mới có 25/200 nước được miễn thị thực), thời gian lưu trú ngắn...
Các doanh nghiệp du lịch cũng cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi mở cửa lại thị trường như thiếu vốn, thiếu lao động sau mấy năm gián đoạn vì COVID-19.
Ngoài ra, tình hình chính trị trên thế giới với nhiều diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến hoạt động của hàng không và lữ hành; chi phí, giá cả tăng cao, sản phẩm du lịch còn hạn chế cũng ảnh hưởng đến quyết định của du khách.