Theo một cuộc khảo sát mới thực hiện, gần một nửa số người thuộc thế hệ millennial ở Mỹ cho biết họ đang sống ở trạng thái "kiếm được đồng nào tiêu hết đồng ấy". Con số này tăng 6 điểm phần trăm so với 1 năm trước đó.
Với rất ít tiền mặt dự phòng, ngày càng nhiều người lao động thuộc thế hệ Y - những người ở độ tuổi từ 25 đến 40, cảm thấy họ không thể chi trả cho một khoản thanh toán bất ngờ. Chỉ 28% cho biết họ đã chuẩn bị cho trường hợp không thể dự đoán, giảm 4 điểm so với năm trước.
Cuộc khảo sát này được thực hiện bởi AgingWell Hub thuộc dự án Business Impact của Đại học Georgetown và hợp tác với Bank of America. Cuộc khảo sát có 1.174 người tham gia vào tháng 10 với quy mô trên cả nước Mỹ.
Jeanne de Cervens - giám đốc của AgingWell Hub, cho biết, triển vọng u tối hơn có thể là do những người trẻ tuổi đã chuyển về sống với cha mẹ trong thời kỳ đại dịch, sau đó họ chuyển ra ngoài sống khi cuộc khảo sát được thực hiện. Bởi vậy, họ phải đối mặt với những áp lực về chi phí hàng ngày như tiền thuê nhà. Bà cũng chỉ ra rằng, số ca Covid-19 cũng gia tăng khi cuộc khảo sát được thực hiện, điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người tham gia.
Thế hệ millennial đang cảm thấy áp lực đáng kể về tài chính. Trong khi đó, ở độ tuổi tương tự đối với thế hệ trước, họ đã đạt được những cột mốc quan trọng như kết hôn, sinh con hay mua nhà. Nhiều người thậm chí còn gánh khoản nợ sinh viên nhiều hơn so với cha mẹ họ. Hơn nữa, những millennial ở độ tuổi lớn nhất lại gia nhập thị trường lao động đúng thời gian khủng hoảng tài chính 2008 diễn ra và để lại những hậu quả tàn khốc.
Theo cuộc khảo sát, tình hình tài chính của những người trẻ tuổi tại Mỹ cũng có một số điểm sáng. Một phần nhờ vào các chương trình như hoàn trả các khoản vay sinh viên liên bang, trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ tiền thuê nhà, những người thuộc thế hệ millennial được khảo sát cho biết họ đang đón nhận những dấu hiệu tích cực hơn trong việc trả nợ (44%), có thể tạo và duy trì ngân sách riêng (33%) và tăng điểm tín dụng (43%).
Song, chỉ 30% đang thực hiện những bước dành tiền tiết kiệm để nghỉ hưu. Và chỉ 32% nói rằng những câu như "Tôi có thể tận hưởng cuộc sống nhờ biết cách quản lý tiền của mình" và "Tôi đang đảm bảo cho tương lai tài chính của mình" đủ để miêu tả hoàn cảnh của họ vào năm 2021.
De Cervens cho hay, dù có sự hỗ trợ từ chính quyền liên bang và những nỗ lực khác nhằm giảm căng thẳng tài chính trong thời kỳ đại dịch, thì chi phí sinh hoạt vẫn tiếp tục tăng lên.
Theo Surya Kolluri - giám đốc điều hành nhóm nghiên cứu về hưu trí của Bank of America, cho biết các millennial đôi khi dựa vào cha mẹ như "ngân hàng gia đình", nhưng căng thẳng tài chính đã ảnh hưởng đến số tiền mà gia đình họ có thể hỗ trợ.
De Cervens nói: "Rất ít người nói rằng họ đã bàn bạc với cha mẹ về vấn đề tài chính và không nhiều người hiểu về khả năng tài chính của cha mẹ họ."
Hơn nữa, thái độ về tình hình tài chính trong tương lai cũng có sự khác biệt giữa các nhóm chủng tộc, dân tộc thiểu số và nam thuộc thế hệ Y. Trong khi 48% millennial cho biết họ sống trong tình trạng "kiếm được đồng nào tiêu hết đồng ấy", chỉ 29% millennial châu Á nói rằng tình hình tài chính của họ khá tốt. Trong khi 39% người tham gia khảo sát nghĩ rằng họ sẽ có cuộc sống tốt hơn cha mẹ mình, thì tỷ lệ này tăng vọt 43% ở nam giới, 52% với thế hệ Y người Mỹ gốc Phi và 47% với người Mỹ gốc Tây Ban Nha/Latinh.
Phụ nữ thuộc thế hệ millennial nhận thấy họ phải đối mặt với trở ngại tài chính trong tương lai. Chỉ 29% nói rằng họ còn dư tiền đến cuối tháng và chỉ 21% chia sẻ họ có thể ứng phó với một khoản chi lớn bất ngờ. Đối với nam giới, tỷ lệ này là 42% và 35%.
Tham khảo Bloomberg