Đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành (COO) Aleksander Leonard Larsen của Công ty Sky Mavis thông báo trên Twitter rằng game Việt tỉ đô Axie Infinity đã đạt ngưỡng 1 triệu người chơi hàng ngày và trên 1 tỉ USD giá trị giao dịch (trading volume).
Như vậy có thể thấy, Axie Infinity có sự tăng trưởng phi mã về lượng người chơi.
Trước đó trả lời phỏng vấn vào thời điểm cuối tháng 7, CEO Nguyễn Thành Trung (Trung Nguyễn) của công ty Sky Mavis (phát triển và vận hành thương mại game Axie Infinity) cho biết game này đạt khoảng 600.000 người chơi hàng ngày và khoảng 1 triệu người chơi hàng tháng.
Tuy nhiên chỉ sau khoảng 10 ngày, theo thông tin cung cấp từ COO Aleksander Leonard Larsen, lượng người chơi game Việt tỉ đô Axie Infinity hàng ngày đã đạt ngưỡng 1 triệu.
Thống kê từ trang Crypto Slam cho thấy game Việt tỉ đô Axie Infinity đạt giá trị giao dịch trên 1 tỉ USD. Ảnh chụp màn hình. |
Cùng với đó, lượng giao dịch trong game này cũng đạt giá trị hơn 1 tỉ USD, trở thành game NFT đầu tiên đạt mốc giá trị giao dịch này.
Đã có nhiều câu hỏi đặt ra rằng, với hơn 1 tỉ USD doanh số như trên thì số tiền đó đã đi về đâu, hay vào túi những ai?
Tuy nhiên đã có sự nhầm lẫn trong dịch thuật về khái niệm ở đây. Khối lượng giao dịch đạt giá trị hơn 1 tỉ USD trong game Việt tỉ đô Axie Infinity hoàn toàn khác với khái niệm doanh thu hay doanh số.
Thứ nhất, doanh thu/doanh số được hiểu là khoản thu được trong kinh doanh bán hàng và cung cấp dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp mà ở đây là Sky Mavis; và khoản thu đó sau khi trừ thuế, phí… sẽ thuộc về doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khối lượng giao dịch đạt giá trị hơn 1 tỉ USD lại không hẳn hoàn toàn thuộc về Sky Mavis. Có thể nói là hầu hết các giao dịch này xuất phát từ người chơi, hay còn gọi là nhà đầu tư thông qua mua bán, giao dịch các vật phẩm trong game, và phía công ty sở hữu game Axie Infinity chỉ thu phí môi giới được cho là với mức 4,25%, sẽ tương ứng khoản thu trên 42,5 triệu USD. Khoản thu này sẽ đóng góp vào doanh thu của Sky Mavis (tất nhiên có thể còn có nhiều khoản thu khác).
Thống kê cho thấy có hơn 330.000 người giao dịch tạo ra tổng giá trị hơn 1 tỉ USD trong game Axie Infinity. |
Để dễ hiểu hơn có thể lấy tham chiếu từ sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE). Đơn cử phiên giao dịch ngày 9.8, sàn này đạt giá trị giao dịch hơn 22.600 tỉ đồng, không có nghĩa số tiền này là doanh số hay doanh thu của HoSE, mà đó là tổng giá trị giao dịch từ nhà đầu tư tạo nên trên sàn (đóng vai trò là nền tảng cho các giao dịch) HoSE. Và HoSE chỉ thu được từ tổng thanh khoản trên một tỉ lệ nhỏ (0,03% trên tổng giá trị giao dịch cổ phiếu và 0,02% với ETF, chứng quyền) gọi là phí giao dịch.
Trở lại trường hợp game Axie Infinity, dù chỉ thu mức phí dịch vụ 4,25% nhưng cũng mang đến khoản thu lớn tương ứng hàng chục triệu USD. Khoản thu này có thể không phải là tiền tươi đồng USD hay VNĐ, mà dưới hình thức tiền ảo (đồng AXS của game Axie Infinity hay đồng Ethereum (ETH) mà game này sử dụng làm nền tảng để thanh toán các giao dịch).
Chỉ khi nào, số tiền ảo của Sky Mavis được bán ra để thu về đồng USD thì mới có thể hiện thực hóa thành doanh thu, lợi nhuận.
Chính vì thế đã nổi lên vấn đề gần đây, là game Axie Infinity đã đạt giá trị hàng tỉ USD nhưng từ đầu năm 2021 tới nay Sky Mavis không đóng đồng thuế nào.
Cùng với đó là những người chơi, nhà đầu tư trên Axie Infinity, có thể đã giao dịch hàng chục, hàng trăm ngàn USD các vật phẩm trong game nhưng cũng không đóng thuế, hay nói chính xác hơn là chưa đóng thuế.
(Theo Lao Động)