Sáng nay ngày 10/2/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) đã thông qua quyết định niêm yết chính thức cổ phiếu Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3) với mã chứng khoán PGV. Theo đó, hơn 1,1 tỷ cổ phiếu PGV sẽ chính thức được chào sàn với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên là 39.480 đồng/cp; đồng thời Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP sẽ trở thành thành viên chính thức niêm yết trên HoSE.
"Sau gần 4 năm giao dịch trên sàn UpCOM, cổ phiếu PGV đã được chấp thuận chuyển sang niêm yết tại HoSE, với những chuẩn mực cao hơn trong hoạt động niêm yết, công bố thông tin và quản trị công ty đại chúng quy mô lớn. Việc này cũng đánh dấu cột mốc quan trọng và mở ra nhiều cơ hội mới, đưa cổ phiếu PGV đến gần hơn với các Nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để tiếp tục thúc đẩy quá trình tái cơ cấu theo định hướng chiến lược phát triển của Tổng Công ty", đại diện PGV chia sẻ.
Được biết, PGV được thành lập theo Quyết định số 3025/QĐ-BCT ngày 01/06/2012 của Bộ Công Thương. Trải qua 10 năm phát triển, Tổng Công ty hiện hoạt động chính trong các lĩnh vực sản xuất điện, đầu tư và quản lý dự án nguồn điện, dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng các nhà máy điện, vận hành nhà máy điện. Công ty đang một trong những thương hiệu lớn trong ngành năng lượng Việt Nam với tổng công suất khoảng 5.200 MW (bao gồm các nhà máy điện của EVN và EVNGENCO3 làm chủ đầu tư). Đến nay, tổng công suất lắp đặt của EVNGENCO3 (bao gồm các công ty cổ phần có vốn góp từ 30% trở lên) đạt 6.560MW, tương ứng khoảng 8,6% công suất của Hệ thống điện Việt Nam.
Về tình hình kinh doanh năm 2021, sản lượng điện sản xuất của Tổng Công ty đạt 29,6 tỷ kWh, chiếm 11,53% sản lượng điện toàn hệ thống điện Việt Nam. Lợi nhuận sau thuế PGV tương ứng đạt 2.947 tỷ đồng, vượt 125% kế hoạch năm. Đáng chú ý, nỗ lực giảm nợ vay giúp tình hình tài chính của Công ty cải thiện mạnh, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đã đạt thấp hơn 3 lần.
Lên kế hoạch dài hơi cho giai đoạn 2021-2025, ban lãnh đạo nhấn mạnh sẽ mạnh mẽ chuyển đổi số trong công tác quản trị, điều hành; tiếp tục áp dụng rộng rãi CMCN 4.0 trong tối ưu công tác vận hành, sửa chữa các nhà máy điện nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phấn đấu chia cổ tức bình quân ở mức khoảng 10%; triển khai toàn diện các giải pháp đảm bảo môi trường ổn định, dài hạn cho các nhà máy nhiệt điện than; mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ vận hành và sửa chữa các nhà máy điện.
Song song, Công ty cũng định hướng phát triển năng lượng sạch trong tương lai như: đẩy mạnh hợp tác đầu tư các dự án nhà máy điện sử dụng LNG cũng như triển khai mua LNG cho các nhà máy điện Phú Mỹ ở thời điểm phù hợp; nghiên cứu xúc tiến triển khai đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời hybrid (kết hợp với thủy điện) sau khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt.
"Với các kế hoạch đã nêu, bên cạnh việc duy trì lợi ích cho các cổ đông hiện nay, Tổng Công ty kỳ vọng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn để hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN tại PGV theo chủ trương đã được phê duyệt", đại diện nhấn mạnh.