Trong bối cảnh các nhà tư đầu tư Mỹ, châu Âu vẫn tương đối thận trọng, dòng vốn từ các nước trong khu vực Đông Á, đặc biệt là Đài Loan (Trung Quốc) lại rất lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam. Thời gian gần đây, dòng vốn từ Đài Loan đổ vào Việt Nam có xu hướng tăng lên đáng kể, trong đó có đóng góp lớn của Fubon FTSE Vietnam ETF.
Tính từ đầu năm, Fubon ETF là cái tên duy nhất không có tháng nào bị rút ròng với tổng giá trị dòng tiền vào lên đến hơn 6.100 tỷ đồng, lớn nhất trên thị trường. Nhờ đó, dòng vốn đổ vào thị trường Việt Nam qua kênh ETF vẫn ghi nhận sự khởi sắc với giá trị đạt khoảng 8.000 tỷ đồng trong khi các quỹ ngoại chủ động vẫn đang bán ròng khá mạnh.
Fubon FTSE Vietnam (thuộc tập đoàn tài chính Fubon Financial Holdings) đầu tư vào thị trường Việt Nam từ tháng 3/2021. Sau hơn 1 năm thành lập, tổng tài sản của quỹ đã tăng lên mức xấp xỉ 18 tỷ TWD (~ 576 triệu USD) tại ngày 8/9/2022. Fubon ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam theo chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index trong đó MSN, VIC, VHM, NVL, VNM, HPG, VRE, VCB, SSI, VJC là những cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục.
Với việc tham chiếu gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất HoSE (điều kiện còn room ngoại), có thể thấy Fubon ETF đang đặt cửa cao vào triển vọng đi lên trong tương lai của chứng khoán Việt Nam. “Việt Nam bây giờ giống như Đài Loan của những năm 1980. Bạn không thể tham gia đầu tư vào Đài Loan cách đây 40 năm, nhưng bạn có thể kiếm được lợi nhuận nhờ những cải cách kinh tế Việt Nam thông qua việc đầu tư vào Fubon Vietnam ETF” - Yang Yining, giám đốc đầu tư Fubon Vietnam ETF từng đánh giá.
Trước Fubon ETF, một quỹ từ Đài Loan là CTBC Vietnam Equity Fund cũng đã tham gia đầu tư vào TTCK Việt Nam từ năm 2020 với sự tư vấn bởi Dragon Capital và quy mô vốn cam kết ban đầu ở mức 160 triệu USD. Tính đến cuối tháng 7/2022, tổng tài sản của quỹ lên đến 20,37 tỷ TWD (~ 652 triệu USD).
Mục tiêu của CTBC Vietnam Equity là đầu tư vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng niêm yết tại HoSE, HNX và chứng chỉ quỹ cho cổ phiếu kín "room". Do đó, quỹ lựa chọn các công ty đầu ngành, phân bổ vốn chủ động từng thời điểm, từng ngành để giảm thiểu rủi ro tuy nhiên không có lĩnh vực nào chiếm hơn 10% danh mục. Ngoài chứng chỉ quỹ Diamond ETF, các cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của quỹ còn có MBB, MWG, FPT, DGC, HPG, VHM, VPB, DPM, NVL.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 1/2022, một quỹ đến từ Đài Loan là Jih Sun Vietnam Opportunity Fund đã bắt đầu huy động vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam với sự tư vấn của VinaCapital. Quỹ mô phát hành theo mệnh giá vào khoảng 6 tỷ TWD. Tính đến cuối tháng 7, tổng tài sản của Jih Sun Vietnam đạt 3,68 tỷ TWD (~ 121 triệu USD). Quỹ đầu tư đánh giá Việt Nam như viên kim cương của châu Á, phát triển nhanh chóng và đáng kinh ngạc, đang sở hữu 4 yếu tố vượt trội là tăng trưởng kinh tế, dân số, vốn nước ngoài và thị trường chứng khoán.
Theo Bloomberg, Jih Sun Vietnam sẽ phải giải ngân 50% tài sản vào các cổ phiếu niêm yết hoặc các chứng chỉ lưu ký nước ngoài và tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam không thấp hơn 70%. Danh mục đầu tư của quỹ phân bổ vào nhiều ngành như vật liệu xây dựng, bất động sản, ngân hàng, chứng khoán... Trong đó, 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất hiện bao gồm DGC, VHM, GMD, GAS, DGW, CTG, VCB, MSN, PC1, PNJ.
Dù khối ngoại chưa trở lại thật sự mạnh mẽ nhưng hầu hết các quỹ ngoại tên tuổi trên thị trường như Dragon Capital, VinaCapital, Pyn Elite Fund,... đều đánh giá cao triển vọng tăng trưởng dài hạn của chứng khoán Việt Nam nhờ vĩ mô ổn định, tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết và dư địa phát triển số lượng nhà đầu tư tham gia còn nhiều. Đây có thể là một trong những yếu tố thu hút dòng vốn từ Đài Loan chảy vào Việt Nam thời gian qua.
Thêm nữa, chuyên gia của VinaCapital cho rằng TTCK Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với chứng khoán Đài Loan cách đây hơn 20 năm khi làn sóng nhà đầu tư mới bắt đầu bùng nổ. Cùng quan điểm, Dragon Capital đánh giá tỷ lệ dân số tham gia chứng khoán chỉ tương đương với Đài Loan giai đoạn 1980-1990 và vẫn còn rất nhiều dư địa tăng trưởng.
Thực tế, tỷ lệ dân số tham gia đầu tư chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với các thị trường khác trong khu vực. Điển hình có thể kể đến Thái Lan với hơn 5 triệu tài khoản chứng khoán, chiếm khoảng 8% dân số trong khi Đài Lan có đến 22 triệu người đầu tư chứng khoán, tương đương 93% dân số...