Số liệu thống kê từ HOSE và HNX cho thấy, tính đến hết ngày 10/11/2021, số cổ phiếu lưu hành của 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đạt hơn 46,6 tỷ đơn vị, chiếm hơn 1/4 tổng lượng cổ phiếu lưu hành toàn thị trường
Kể từ đầu năm, các ngân hàng đã đưa thêm vào thị trường gần 10,3 tỷ cổ phiếu thông qua việc niêm yết mới, đăng ký giao dịch trên UPCoM và phát hành thêm.
Ba nhà băng mới gia nhập thị trường chứng khoán trong năm nay là: Ngân hàng Phương Đông (Mã: OCB) đưa gần 1,1 tỷ cổ phần lên sàn HOSE, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phần tại HOSE, và Ngân hàng Việt Á (Mã: VAB) đăng ký giao dịch gần 445 triệu cổ phần ở thị trường UPCoM.
Một số đợt phát hành cổ phiếu lớn có thể kể đến như: VPBank phát hành 1,97 tỷ cổ phần trả cổ tức và thưởng; VietinBank phát hành 1,1 tỷ cổ phần để trả cổ tức các năm 2017, 2018 và 2019 với tổng tỷ lệ 29,07%; MB phát hành gần 980 triệu cp để trả cổ tức theo tỷ lệ 35%; ACB phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25%;...
Hiện, VietinBank đang có số cổ phần lưu hành nhiều nhất ngành ngân hàng với 4,806 tỷ đơn vị. Đồng thời, đây cũng là doanh nghiệp niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với 48.058 tỷ đồng.
Xếp ngay sau VietinBank là VPBank, BIDV, MB với số cổ phiếu lưu hành lần lượt đạt 4,445 tỷ, 4,022 tỷ và 3,778 tỷ đơn vị.
Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp
Trong cuối năm nay và đầu năm sau, dự kiến có thêm hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng được Vietcombank, BIDV, VietinBank và các ngân hàng tư nhân đưa vào thị trường thông qua chia cổ tức, chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ.
Vietcombank đang "rục rịch'' phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 27,6%, từ lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức 8% bằng tiền. Nếu thành công, lượng cổ phiếu lưu hành của Vietcombank sẽ tăng lên hơn 4,7 tỷ đơn vị.
Tương tự, BIDV cũng chuẩn bị lấy ý kiến cổ đông về việc trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, cổ đông BIDV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6%.
Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III và quý IV/2021.
Sau khi phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu để chi trả cổ tức, VietinBank vẫn còn kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020. Theo đó, VietinBank sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5%, đồng thời chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,6% hoặc 17,7%.
SHB sẽ chốt danh sách vào ngày 12/11 để chào bán hơn 539 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 100:28 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được quyền mua 28 cổ phiếu mới), giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, ABBank cũng sẽ chào bán hơn 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong quý IV/2021, tỷ lệ phát hành 20%.
Trong khi đó VPBank cũng đã khóa "room" ngoại để chuẩn bị chào bán 15% cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Khó tăng giá vì quá nhiều ''hàng''?
Việc ồ ạt đưa hàng tỷ cổ phiếu vào lưu hành khiến nhóm ngân hàng đối mặt với áp lực pha loãng giá.
Thực tế, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã sự lao dốc mạnh sau khi chốt quyền chia cổ tức. Điển hình như VIB, cổ phiếu này đã liên tục giảm giá kể từ ngày chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 40%. Tính đến nay, VIB đã mất gần 27% giá trị sau 4 tháng chia cổ tức.
Tương tự, CTG cũng giảm sâu sau khi chốt quyền trả cổ tức hơn 29% bằng cổ phiếu vào ngày 8/7.
Theo ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), mặc dù là nguyên nhân phụ nhưng không thể phủ nhận ảnh hưởng của việc chia cổ tức đến xu hướng giá cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua.
"Khi nguồn cung cổ phiếu quá nhiều và về dồn dập trong một thời gian ngắn, chắc chắn giá cổ phiếu và tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng", ông Tuấn nhận định.
Lo ngại về khả năng pha loãng là nguyên nhân chính khiến Techcombank đứng ngoài cuộc đua phát hành cổ phiếu tăng vốn trong những năm gần đây.
Nói về nguyên nhân không phát hành cổ phiếu chia cổ tức như các ngân hàng khác, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết vốn chủ sở hữu mới thực sự quan trọng đối với hoạt động ngân hàng, trong khi vốn điều lệ chỉ có ý nghĩa tại một số văn bản pháp lý.
Theo Chủ tịch Techcombank, một số ngân hàng thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thưởng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ là định hướng riêng của từng nhà băng và việc phát hành mới sẽ khiến giá cổ phiếu bị pha loãng.
''Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hay không chia là không quan trọng vì Techcombank đã tăng đủ vốn điều lệ để đáp ứng các chỉ số hoạt động. Vấn đề quan trọng làm thế nào để sử dụng sao cho giá trị chúng ta tăng lên'', Chủ tịch Techcombank nhấn mạnh
"Đối với Techcombank, để giá cổ phiếu tăng lên như Vietcombank là bước đi phù hợp hơn. Bên cạnh đó, khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông sẽ phải chịu 5% thuế thu nhập cá nhân", ông Hồ Hùng Anh chia sẻ.