Trong buổi báo cáo tình hình kinh tế xã hội mới công bố, Tổng cục Thống kê cho biết số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II là gần 1,2 triệu người - tăng 87.000 người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2021 là 2,62% - tăng 0,2% so với quý trước.
“Số thanh niên từ 15 - 24 tuổi thất nghiệp trong quý II là hơn 389.000 người, chiếm 31,8% tổng sô người thất nghiệp”, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết.
Tính chung 6 tháng đầu năm, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,1 triệu người
Tính chung 6 tháng đầu năm, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,1 triệu người, tăng hơn 100.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi trong 6 tháng đầu năm 2021 là 2,52%.
Còn tình hình thiếu việc làm 6 tháng đầu năm là hơn 1,1 triệu người - tăng hơn hơn 48.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm là 2,58% - tăng 0,25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 2,64%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,54%.
“Như vậy tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm là kém khả quan. Thị trường đang trên đà phục hồi vào cuối năm 2020 đã chịu tác động tiêu cực từ 2 làn sóng COVID-19 tháng 1 và tháng 4 năm nay”, ông Nam cho biết.
Gói hỗ trợ tiếp theo?
Về các chính sách hỗ trợ người lao động, theo Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, năm 2020 đã có 14 triệu người dân được hỗ trợ từ gói hỗ trợ khẩn cấp do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngoài ra, năm 2020 có 1 triệu người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp - tăng hơn 32% so với năm 2019. Đã có khoảng 1,06 triệu người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền được trợ cấp là 18.200 tỷ đồng (bình quân 3 triệu/người/tháng).
Bên cạnh đó theo ông Nam, Chính phủ cũng đã có gói hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 1 triệu người lao động không có bảo hiểm với kinh phí là hơn 1.027 tỷ đồng. Đây là những người bị giãn việc, mất việc, tạm hoãn hợp đồng, tạm chấp dứt hợp đồng. Ngoài ra gói hỗ trợ còn hướng đến một số đối tượng như hộ nghèo, cận nghèo…
Tổng cục Thống kê báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý II và 6 tháng đầu năm
“Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam cần tăng cường gói hỗ trợ người lao động để đảm bảo ổn định xã hội và an sinh xã hội”, ông Nam cho biết.
Trước đó trong báo kinh tế vĩ mô tháng 5, Chính phủ có thể muốn xem xét một gói kích thích tài khóa mới, bao gồm một gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.