Năm 2021 chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam cả về điểm số lẫn quy mô với hàng loạt kỷ lục bị xô đổ. Trong bức tranh rực rỡ của thị trường, điểm trừ đến từ giao dịch khối ngoại khi họ bán ròng kỷ lục 60.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần lượng bán ròng trong năm trước.
Mặc dù khối ngoại bán ròng mạnh nhưng trong năm qua, dòng tiền lại có xu hướng đổ mạnh vào các quỹ ETFs và phần lớn lượng vốn này đến từ nhà đầu tư nước ngoài. Thống kê các quỹ ETFs hiện diện trên thị trường Việt Nam năm qua đã hút ròng lượng vốn lên tới hơn 11.500 tỷ đồng.
Trong đó, Fubon FTSE Vietnam ETF, quỹ ETF đến từ Đài Loan (Trung Quốc) dù mới thành lập nhưng đã trở thành quỹ hút vốn mạnh nhất thị trường với khoảng 417 triệu USD (khoảng 9.590 tỷ đồng).
Lượng vốn đổ mạnh vào Fubon FTSE Vietnam ETF chủ yếu trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 7 khi quỹ IPO và đẩy mạnh phát hành chứng chỉ quỹ. Khi đó, giới đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc) kỳ vọng chứng khoán Việt Nam tái lập hình ảnh như chính họ cách đây 20 năm và đã "bơm" hàng trăm triệu USD vào quỹ ngay khi thành lập. Tuy nhiên, kể từ tháng 8 trở đi, dòng vốn có xu hướng rút nhẹ khỏi quỹ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
DCVFM VNDiamond ETF cũng là cái tên hút vốn nổi bật trong năm qua với giá trị 3.247 tỷ đồng. Lượng vốn đổ mạnh vào quỹ chủ yếu trong 4 tháng đầu năm, trong khi những tháng cuối năm có xu hướng bị rút vốn nhẹ. DCVFM VNDiamond ETF hiện là quỹ ETF quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị danh mục gần 13.800 tỷ đồng.
Danh mục DCVFM VNDiamond ETF gồm các cổ phiếu trong rổ "Diamond Index", với nhiều mã có yếu tố cơ bản tốt và trong tình trạng "kín room" ngoại như FPT, MWG, REE, PNJ…Việc sở hữu danh mục chất lượng như vậy đã giúp quỹ thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư ngoại vốn không thể mua được các cổ phiếu đã "kín room" hoặc phải mua với giá chênh (Premium) rất lớn.
Một quỹ hút vốn khá tốt trong năm qua là SSIAM VNFinLead ETF với lượng vốn đổ ròng vào quỹ lên tới 1.324 tỷ đồng. Việc sở hữu danh mục gồm nhiều cổ phiếu trong ngành tài chính (phần lớn ngân hàng) cũng là yếu tố thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại.
Trong khi đó, quỹ ETF lâu đời Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) cũng có một năm hút vốn tích cực với 28 triệu USD, tương đương 651 tỷ đồng. Danh mục VNM ETF hiện có khoảng 75% cổ phiếu Việt Nam, ước tính quỹ đã mua ròng gần 500 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam trong năm qua.
Quỹ ETF mới thành lập trong quý 4 là IPAAM VN100 ETF cũng hút ròng 56 tỷ đồng. Ngoài ra, một số quỹ ETF khác như DCVFM VN30 ETF, SSIAM VN30 ETF, MAFM VN30 ETF, VinaCapital VN100 ETF, Premia MSCI Vietnam ETF cũng hút vốn trong năm qua, nhưng lượng hút vốn cũng không quá lớn.
Ở chiều ngược lại, FTSE Vietnam ETF, một quỹ lâu năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị rút ròng khá mạnh với giá trị 85 triệu USD (khoảng 1.950 tỷ đồng). Một quỹ ETF khác là Kim Kindex Vietnam ETF cũng bị rút ròng 89 triệu USD (khoảng 2.047 tỷ đồng) trong năm qua.
Có thể thấy, trong bức tranh ảm đạm của khối ngoại năm qua thì các quỹ ETFs lại là điểm sáng hút vốn. Với việc tập trung danh mục theo các chỉ số chất lượng, các quỹ ETFs được kỳ vọng sẽ tiếp tục hút vốn mạnh trong những năm tới, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sớm nâng hạng mới nổi. Gần đây nhất, quỹ KIM Growth VN30 ETF đã được cấp phép thành lập và sẽ niêm yết trên sàn HoSE vào đầu năm 2022.