Trên con phố gần Nhà hát Opera Hoàng gia của Mumbai, Deepak Gurnaney (68 tuổi) ngồi trong cửa hàng bán đồ điện tử nhỏ của mình, trước những chiếc màn hình TV màn hình phẳng nhấp nháy các vở opera tiếng Hindi. Trong khi đó, 4 nhân viên của ông đang chơi trò chơi trên điện thoại. Cửa hàng không có một bóng khách hàng ra vào.
Trước đây, Gurnaney thậm chí còn cần một chiếc máy đếm tiền và một nhà kho để dự trữ đủ hàng. Thế nhưng, hoạt động kinh doanh đã sụt giảm 25% trong 2 năm nay và ông cũng không cần đến những thứ đó nữa. Ông chia sẻ: "Thị trường ô tô lao dốc, thị trường này đi xuống, thị trường kia cũng vậy. Do đó, mọi người thấy và nghĩ rằng họ không nên chi tiêu. Ngành bán lẻ cũng như vậy, tôi không thể khuyến khích bất kỳ ai trong gia đình cùng kinh doanh. Tôi sẽ là thế hệ cuối cùng."
Cách đó gần 5000 km, trong khu siêu thị điện tử Zhongguancun Kemao ở Bắc Kinh với ánh đèn huỳnh quang nhấp nháy, He Hongyuan cũng ở tình cảnh tương tự. Ông cho hay: "Giờ đây, người tiêu dùng có xu hướng thận trọng hơn khi chi tiêu." He trả lời phỏng vấn và đứng sau gian hàng với đầy các kệ bằng kính, là một trong hàng trăm cửa hàng bán điện thoại, laptop và các thiết bị khác trong trung tâm.
He nói thêm: "Trước đây, mọi người đổi điện thoại ngay khi có mẫu mới ra. Còn bây giờ, họ chỉ đổi điện thoại khi có nhu cầu." Ông cho biết lợi nhuận của cửa hàng đã sụt giảm một nửa trong 2 tháng vừa qua.
Gurnaney và He là một trong nhiều ví dụ cho thấy sự ảm đạm của ngành bán lẻ diễn ra ngày càng sâu sắc ở Ấn Độ và Trung Quốc - quê hương của 2,8 tỷ người, tương đương 1/3 lượng người tiêu dùng trên toàn thế giới. Các nhà sản xuất của tất cả các sản phẩm từ ô tô cho đến dầu gội đầu đã đặt nhiều kỳ vọng tăng trưởng đối với 2 thị trường khổng lồ mới nổi này. Dẫu vậy, ảnh hưởng của tình trạng trì trệ tăng gấp đôi và còn đang lan rộng ra khắp thế giới.
Những "cơn gió ngược" trên toàn cầu
Frederic Neumann, đồng giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC Hong Kong, nhận định: "Ấn Độ và Trung Quốc có thể vẫn là thị trường tiêu dùng lớn và tiềm năng nhất, nhưng tình trạng sụt giảm như thế này vẫn là 'cơn gió ngược' đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang gặp khó khăn."
Tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc có thể giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 6%, trong khi sự phát triển của Ấn Độ đã chạm mức yếu nhất trong 6 năm trong quý II. Doanh số bán ô tô của cả 2 quốc gia có thể nói lên điều đó. Doanh số bán các dòng xe sedan, xe thể thao đa dụng, xe tải nhỏ, xe đa dụng ở Trung Quốc đã giảm lần thứ 14 trong vòng 15 tháng tính đến tháng 8. Trong cùng tháng, doanh số bán ô tô của Ấn Độ cũng ghi nhận mức giảm hàng năm lớn nhất.
Dù tốc độ tăng trưởng vẫn cao hơn hầu hết các quốc gia khác, nhưng sự trì trệ trong chi tiêu người tiêu dùng lại rất quan trọng với 2 quốc gia đang phát triển. Trung Quốc cần theo kịp sự phát triển để đối mặt với "núi" nợ ngày càng lớn từ những năm kinh tế bùng nổ. Còn Ấn Độ đang dựa vào một nền kinh tế mạnh để tạo cơ hội việc làm cho hàng triệu người mỗi tháng.
Julian Evans-Pritchard, kinh tế gia tại Capital Economics, nhận định: "Động lực tăng trưởng cũ thực sự đang 'hết hơi'." Ông nói thêm rằng nhóm người tiêu dùng trẻ ở Trung Quốc đang cẩn trọng đối với việc mua sắm các món đồ xa xỉ và ô tô hơn phụ huynh của họ, "tôi cho rằng họ sẽ phải làm quen với tăng trưởng thu nhập với tốc độ chậm hơn nhiều."
Tại Ấn Độ, chính phủ đã tuyên bố sẽ cắt giảm thuế doanh nghiệp với 20 tỷ USD hồi tháng trước để làm "bệ đỡ" cho tình trạng gỉam tốc. Tuy nhiên, với một hệ thống tài chính bị "bóp nghẹt" bởi các khoản vay và tỷ lệ thất nghiệp leo lên mức cao nhất 45 năm, thì tâm lý bi quan vẫn gây tổn hại đến doanh số bán hàng của nhiều công ty.
Rất ít nơi ở Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề hơn thành phố phía nam Chennai, trung tâm ngành công nghiệp sản xuất ô tô của nước này. Khoảng 580.000 việc làm của ngành này đã bị cắt giảm trong 18 tháng qua.
Tầng lớp trung lưu thay đổi thói quen chi tiêu
Đối với Vijay Chacko (52 tuổi), điều hành một công ty PR trong thành phố, những dòng tin tức xấu đã loại bỏ hoàn toàn những thói quen ông từng có, như đổi mẫu điện thoại mới nhất cứ 3 tháng 1 lần. Chacko chia sẻ: "Tôi sẽ mua những mẫu điện thoại mới không lâu sau khi chúng ra mắt. Khi mọi thứ trở nên khó khăn hơn, mọi người bắt đầu 'thắt lưng buộc bụng'."
Trước đây, việc gia tăng chi tiêu theo thói quen, như việc đổi điện thoại của Chacko, của tầng lớp trung lưu đã đưa Trung Quốc và Ấn Độ trở thành "mỏ vàng" của các nhà bán lẻ trên toàn cầu, có thể kể đến: Uniqlo, Ikea, Muji và H&M.
Ấn Độ là thị trường lớn thứ hai sau Mỹ đối với "gã khổng lồ" ngành hàng tiêu dùng Unilever. Trung Quốc là thị trường lớn nhất ngoài Mỹ đối với Starbucks và Apple. Chuỗi khách sạn Marriott có 300 khách sạn được xây dựng tại quốc gia này, Nike cũng thông báo 20 quý liên tiếp đạt mức tăng trưởng 2 con số ở thị trường Trung Quốc.
Quay trở lại cửa hàng đồ điện tử ở Mumbai, Gurnaney đã bán được một chiếc lò vi sóng. Thế nhưng, tâm trạng của ông cũng không khá hơn. Khi lễ hội Diwali đang đến gần, theo truyền thống người dân sẽ mua sắm rất nhiều cho mùa này, thì hàng dự trữ trong kho của ông đang được cắt giảm dần thay vì đưa thêm. Ông nói và với lấy tách trà: "Tôi chỉ đến đây để giết thời gian. Chúng tôi đã làm ngành này 50 năm qua, chúng tôi có thể nhìn rõ điều gì tồi tệ đang xảy ra."