Trước đó, Bộ TN&MT lập bảy đoàn công tác phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế các lô hàng phế liệu nhập khẩu tại các cảng. Qua đó, cho thấy tính đến ngày 6-9, có 25.400 tấn xỉ hạt lò cao đang lưu tại kho của doanh nghiệp (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Gần 60% tổ chức nhập khẩu phế liệu không giấy phép
Đặc biệt, có 15.442 container phế liệu nhập khẩu đang lưu tại các cảng. Trong đó, nhiều nhất là cảng Hải Phòng với hơn 6.000 container, tiếp đến là Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 4.600 container, TP.HCM 3.000 container, Bình Dương hơn 1.500 container… Số lưu dưới 90 ngày là 10.535 container (chiếm 68%) và số tồn đọng quá 90 ngày là 4.907 container (chiếm 32%). Các phế liệu chủ yếu là nhựa, sắt thép, giấy, nhôm, kim loại màu…
Bộ TN&MT đưa ra giải pháp xử lý phế liệu. Ảnh: Internet
Bộ TN&MT cho rằng trong thời gian qua do chưa có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong việc chia sẻ thông tin, số liệu về phế liệu nhập khẩu, dẫn đến số liệu báo cáo phế liệu nhập khẩu tồn đọng chưa chính xác.
Trong thực tế, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng quá 90 ngày trong cả nước có tăng lên sau cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 25-7. Nguyên nhân, nhiều tổ chức đã bỏ hàng, không đến làm thủ tục thông quan. Các tổ chức có đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu vẫn tiếp tục đưa hàng đến cảng hoặc đã ký hợp đồng và hàng đang trên tàu vận chuyển về Việt Nam…
Bộ TN&MT cũng cho biết qua thống kê, tổng hợp danh sách từ các tờ khai E-Manifest đứng tên tổ chức, cá nhân nhập khẩu các lô hàng phế liệu đang lưu chứa tại cảng, nhận thấy có tổng số 274 tổ chức đứng tên người nhận phế liệu nhập khẩu, trong đó có 116 tổ chức có giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và 158 tổ chức không có giấy xác nhận (chiếm 58%)
Qua đó, Bộ TN&MT nhận định thực tế và theo quy định của pháp luật, không có lô hàng phế liệu nhập khẩu nào là không có tên người nhận mà chỉ có khái niệm phế liệu nhập khẩu chưa có người nhận sau 90 ngày và được gọi là phế liệu nhập khẩu “vô chủ” để xử lý theo quy định của pháp luật về hải quan và thương mại.
“Việc xử lý các container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng chỉ được thực hiện sau năm tháng, kể từ ngày phế liệu nhập khẩu đến cảng…” - đơn vị này giải thích thêm.
Bộ TN&MT cho biết nguyên nhân tồn đọng phế liệu nhập khẩu tại cảng là do các đơn vị giả mạo giấy xác nhận (đã bị các cơ quan chức năng khởi tố vụ án), dùng giấy xác nhận của các doanh nghiệp khác, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế (địa chỉ ma), chuyển địa chỉ mà không cập nhật thông tin nhưng đã cố tình nhập khẩu phế liệu không đáp ứng quy định sau đó bỏ hàng.
Một số doanh nghiệp đã lợi dung quy định thông thoáng trong việc tạm nhập, tái xuất phế liệu sang nước thứ ba nhưng thực chất đã giả mạo hồ sơ để bán phế liệu nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân trong nước sử dụng (đã bị khởi tố vụ án) và khi bị cơ quan chức năng phát hiện đã bỏ các lô hàng còn lại tại các cảng…
Đặc biệt các tổ chức nhập khẩu các lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu sợ bị ràng buộc trách nhiệm pháp lý nếu lô hàng phế liệu không được thông quan, dẫn đến bỏ hàng, từ chối nhận hàng với lý do hàng không đúng hợp đồng nhập khẩu.
Do pháp luật hiện hành chưa có quy định về phòng ngừa và ngăn chặn từ xa đối với phế liệu nhập khẩu hàng hóa nói chung và phế liệu nhập khẩu nói riêng được mua bán, vận chuyển vào Việt Nam rất dễ dàng và thuận tiện.
Trước khi tàu cập cảng, cơ quan hải quan chỉ kiểm tra trên tờ khai E-Manifest (do người bán, hãng vận chuyển hoặc người mua tự kê khai) là tàu có thể cập cảng và chuyển phế liệu nhập khẩu lên kho ngoại quan cửa khẩu nhập. Đây cũng là một kẽ hở của pháp luật dẫn đến phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng hiện nay.
Xử lý dứt điểm các lô hàng phế liệu
Để xử lý dứt điểm các lô hàng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu, Bộ TN&MT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan, các cục Hải quan nơi có phế liệu nhập khẩu tồn đọng đối chiếu danh sách, phân loại phế liệu nhập khẩu của các tổ chức, cá nhân khai báo trên tờ khai E-Manifest.
Thực hiện thông quan theo quy định đối với các lô hàng phế liệu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân có giấy xác nhận, chứng thư giám định phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, bảo đảm phù hợp với quy định. Đồng thời, tiến hành xác minh, làm rõ các tổ chức, cá nhân vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong đó, đối với các lô hàng phế liệu mà tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép yêu cầu tổ chức, cá nhân khẩn trương đến làm thủ tục thông quan các lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quỵ định. Cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn địa điểm làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc tại cơ quan hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất theo quy định.
Trường hợp, các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường sẽ xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 155/2016 theo hướng buộc tái xuất lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm. Trường hợp không thể tái xuất được sẽ được xử lý hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải. Chi phí này sẽ do tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm thanh toán theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với các lô hàng phế liệu mà tổ chức, cá nhân nhập khẩu không có giấy phép được xử lý như đối với tổ chức, cá nhân buôn lậu phế liệu nhập khẩu. Theo đó, yêu cầu tổ chức, cá nhân khẩn trương đến nhận lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định. Trường hợp, tổ chức, cá nhân đứng tên trong khai báo trên E- Manifest không phải do chủ hàng (do chủ hàng ủy quyền), phải yêu cầu tổ chức, cá nhân được ủy quyền và chủ hàng ủy quyền khai báo, xuất trình các văn bản ủy quyền theo quy định, để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.