CNN dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, có hơn 20 quan chức của bộ này có mặt trên chuyến bay số hiệu JT-160 của hãng hàng không Lion Air. Họ cùng gia đình đang trở về nhà ở Pangkal Pinang sau khi có kỳ nghỉ cuối tuần tại thủ đô Jakarta.
Hiện tại, chưa thể xác định tình trạng của các quan chức này dù đến thời điểm hiện tại, khả năng tìm thấy người sống sót từ vụ tai nạn là rất mong manh. Tàu thuyền, máy bay trực thăng, 250 nhân viên cứu hộ và nhiều thợ lặn và các phương tiện tìm kiếm không người lái đang được huy động để tìm kiếm chiếc phi cơ gặp nạn.
Lực lượng cứu hộ đang rà soát một khu vực rộng lớn, trong đó trọng tâm là khu vực nằm cách bờ biển Java 34 hải lý về phía đông bắc. Người nhái đang nỗ lực lặn tìm dưới đáy biển nhằm truy dấu chiếc phi cơ gặp nạn. Khu vực này có độ sâu khoảng 35 m.
Nhà chức trách Indonesia cũng đang tích cực tìm kiếm tín hiệu phát ra từ hai chiếc hộp đen của máy bay nhằm định vị khu vực phi cơ rơi xuống.
Soerjanto Tjahjono, người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, cho biết Lion Air mua chiếc máy bay gặp nạn hồi tháng 8 vừa qua. Tính tới thời điểm hiện tại, nó mới chỉ bay được 800 giờ. Đây cũng là vụ tai nạn chết người đầu tiên với dòng máy bay Boeing 737 MAX 8 do Boeing sản xuất.
Ngay sau tai nạn, Boeing đã bày tỏ đau buồn với sự cố của JT 610. Nhà sản xuất máy bay cũng bày tỏ lời chia buồn sâu sắc tới hành khác, phi hành đoàn và gia đình của họ. Do hộp đen ghi dữ liệu và ghi âm buồng lái chưa được tìm thấy nên các nhà điều tra chưa thể xác định vì sao máy bay gặp sự cố.
737 MAX 8 là phiên bản mới nhất của dòng máy bay 737 mà Boeing cho ra mắt năm 1967. Hơn 10.000 chiếc máy bay loại này đã được Boeing sản xuất, biến nó trở thành mẫu máy bay phản lực chở khách bán chạy nhất mọi thời đại. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của gia đình Boeing 737 là những chiếc Airbus A320 và những phiên bản khác của nó.
Tuy chưa xác định được nguyên nhân tai nạn nhưng sự cố với JT 610 đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng của Lion Air. Trong động thái mới nhất, Australia đã yêu cầu các quan chức chính phủ hoặc các đối tác không sử dụng dịch vụ của Lion Air.
Trong khi đó, hãng hàng không này cũng vừa được bổ sung vào danh sách đen của Liên minh châu Âu (EU) vì kém an toàn. Hãng hàng không này bị đưa vào sổ đen từ tháng 7/2007 và mới chỉ được đưa khỏi danh sách vào tháng 6/2016. Cùng với lệnh cấm, Lion Air sẽ không được phép bay trong không phận EU.