Loại hạt tỷ USD này là hạt điều. Đây là loại hạt của cây điều, được nhiều quốc gia trên thế giới yêu thích và mang lại giá trị kinh tế cao. Trước kia, cây điều mọc hoang dại, có nguồn gốc ở Brazil, nhưng bây giờ được trồng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cây điều bắt đầu du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ 19 và được trồng nhiều ở các tỉnh Đông Nam Bộ sau những năm 1970. Năm 1989, cây điều chính thức được chính phủ công nhận là cây công nghiệp ở Việt Nam.
Có khí hậu nhiệt đới gió mùa, đất đai màu mỡ nên Việt Nam là quốc gia rất phù hợp cho việc sinh trưởng và phát triển của cây điều. Trên thực tế, theo Hiệp hội điều Việt Nam, cây điều được trồng nhiều ở nước ta, phân bố rộng khắp từ các tỉnh miền Trung trở vào Nam.
Hiện nay, có hơn 20 tỉnh, thành phố trồng điều, với tổng diện tích khoảng 300.000 ha. Trong đó, Bình Phước là tỉnh trồng nhiều cây điều nhất Việt Nam, với diện tích lên tới hơn 150.000 ha. Nơi đây có điều kiện thổ thưỡng phù hợp, đất màu mỡ… dễ dàng giúp cây điều sinh trưởng, phát triển, cho ra hạt tốt và sản lượng thu hoạch cao.
Hạt điều Việt Nam thường được các quốc gia yêu thích vì không chỉ có hàm lượng dinh dưỡng cao mà còn có mùi vị thơm ngon đặc trưng. Loại hạt điều bóc vỏ có giá dao động từ 400.000 – 500.000 đồng/kg. Đây là loại hạt mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân trồng điều.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan , tổng kim ngạch xuất khẩu điều năm 2023 của Việt Nam ước đạt 3,63 tỷ USD, sản lượng đạt 641.000 tấn, tăng 17% về trị giá và tăng tới hơn 23% về sản lượng so với năm 2022. Hiện tại, Mỹ, Trung Quốc và châu Âu vẫn là các thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2023, Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu nhiều nhất hạt điều của Việt Nam, vượt qua cả thị trường Mỹ.
Đại diện Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, dù trải qua một năm kinh tế nhiều biến động nhưng ngành điều Việt Nam vẫn duy trì được vị trí số 1 thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu loại hạt này. Trong năm 2024, dù ngành điều thế giới có thể bị ảnh hưởng từ lạm phát tăng cao, xung đột quốc gia…, nhưng ngành điều Việt Nam vẫn kỳ vọng vào những chuyển động tích cực. Bởi xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay đã làm cho nhu cầu về các loại hạt, trong đó có hạt điều ngày càng tăng cao.
Ngoài Việt Nam, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Benin, Guinea-Bisseau… cũng là những quốc gia xuất khẩu hạt điều lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để năng cao năng lực cạnh tranh với các nhà sản xuất điều hàng đầu hiện nay, ngành điều Việt Nam cũng phải nhanh chóng bắt kịp và đi theo làn sóng chuyển dịch chuyển xanh trong sản xuất để vừa đáp ứng các thị trường "khó tính", vừa phù hợp với tiêu chuẩn về môi trường, trách nhiệm với xã hội.
Theo cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia cảu Bộ Nông nghiệp Mỹ, 1 ounce hạt điều (tương đương 28,35 gram) chứa 157 calo. Trong số đó, có 8,56 gram carbohydrate; 5,17gram protein; 1,68 gram đường; 0,9 gram chất xơ, vitamin B, K và những khoáng chất khác như đồng, magiê và selen. Hạt điều được đánh giá là loại thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
Ngoài ra, theo Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI), hạt điều giúp là giảm LDT – cholesterol (cholesterol xấu) và tăng HDL – cholesterol (cholesterol tốt). Những loại axit béo không bão hòa, protein, chất xơ, khoáng chất… có trong hạt điều cũng giúp bảo vệ tim, chống viêm và chống ung thư.
Hạt điều còn tốt cho xương, răng vì giàu canxi, phốt pho, đồng thời hỗ trợ giảm cân, giúp ngăn ngừa lão hóa và làm đẹp hiệu quả, rất tốt cho phụ nữ.Đặc biệt, loại hạt này còn giàu magie, giúp duy trì huyết áp và tăng cường hệ miễn dịch.
Bài viết tham khảo nguồn: Vinacas, NCBI, USDA