Mới đây, tại hội nghị "Phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí", ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh, khả năng đối diện với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là không tránh khỏi.
Theo đó, các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài với hàng xuất khẩu Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Trước giai đoạn 2005 chỉ có 52 vụ, nhưng từ 2005 đến nay, tổng cộng đã có 208 vụ việc liên quan phòng vệ thương mại được các nước khởi xướng, điều tra với hàng xuất khẩu Việt Nam.
Trong đó, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh đối với hàng xuất khẩu có dấu hiệu gia tăng, nhất là khi một số nước có hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, lại sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ một số khu vực đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như thép, nhôm,...
Một số nguyên nhân được lý giải cho hiện tượng trên là xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh, tạo sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu. Điều này khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ họ điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ với hàng Việt Nam.
Năm 2001, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam mới đạt hơn 30 tỷ USD, tăng lên hơn 3 lần sau 6 năm, đạt 100 tỷ USD. Năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 200 tỷ USD và năm 2019 là 517 tỷ USD. Dự báo năm nay, lần đầu kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam có thể đạt 600 tỷ USD, riêng xuất khẩu dự kiến đạt 300 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, phòng vệ thương mại là nội dung tương đối mới đối với Việt Nam nhưng những năm gần đây công cụ này được chủ động sử dụng nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh, công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất trong nước.
Đã có 23 vụ việc phòng vệ thương mại (một nửa trong số này là các vụ việc chống bán phá giá), được Bộ Công Thương khởi xướng điều tra tính đến tháng 11/2021.
Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại, trong nhiều vụ việc, Việt Nam đã thành công trong chứng minh Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Điển hình như Australia đã chấm dứt nhiều vụ việc điều tra mà không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam, như vụ điều tra với ống thép và dây đai thép phủ màu.
Thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định, cùng các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp để giảm thiểu tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại đến kết quả xuất khẩu.