Trước đó Dân Việt đã đưa tin về việc ngân sách nhà nước có nguy cơ "mất trắng" hàng trăm tỷ đồng khi hơn 2.000 chiếc xe nằm phơi nắng mưa của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM Motor) tại Thanh Hoá. Mặc dù phía VEAM đã tổ chức 4 lần bán đấu giá, nhưng đến nay không có kết quả mà tài sản ngày càng mất đi.
Được biết, chỉ sau 3 năm, trải qua 4 lần đấu giá bất thành, số xe tồn đọng của VEAM không chỉ han gỉ thêm mà còn bị mất giá nhanh. Cụ thể, trong lần đầu đấu giá vào tháng 11/2021, mỗi chiếc xe của VEAM có giá hơn 422 triệu đồng nhưng đến lần thứ 4, vào tháng 8/2023, giá mỗi chiếc xe của VEAM chỉ còn khoảng 298 triệu đồng/chiếc. Khối tài sản hơn 2.000 xe của VEAM trong lần đầu đấu giá là gần 1.000 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm bán không ai mua... đã "bốc hơi" hơn 340 tỷ đồng, chỉ còn nguyên giá chào bán hơn 626 tỷ đồng.
Như vậy, bình quân mỗi chiếc xe của VEAM mất giá khoảng 29%, tương đương 124 triệu đồng sau 3 năm. Và nếu không có giải pháp xử lý lô hàng hơn 2.000 chiếc xe nói trên, nguy cơ các mẫu xe phơi nắng mưa này có thể sẽ trở thành đống sắt vụn, vô giá trị với tài sản trăm tỷ của Nhà nước mất không ngày càng hiện hữu.
Dữ liệu cho thấy, VEAM là doanh nghiệp sản xuất các loại động cơ, máy nông nghiệp; sản xuất các loại linh kiện, sản phẩm công nghệ hỗ trợ; chế tạo và lắp ráp ô tô, xe máy; vận chuyển hàng hóa..., thế nhưng lợi nhuận của VEAM những năm qua chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng và hoạt động liên doanh - liên kết, chứ không phải hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Lãnh đạo VEAM cũng thừa nhận, tình hình sản xuất - kinh doanh động cơ máy nông nghiệp liên tục sụt giảm trong nhiều năm qua, lĩnh vực kinh doanh ô tô chưa có dấu hiệu khả quan, nhà máy ô tô VEAM dự báo còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ hàng tồn kho, các sản phẩm mới đưa ra thị trường còn hạn chế… là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Tại Báo cáo tài chính riêng quý IV/2023 của Tổng Công ty cho thấy, trong năm 2023, doanh thu thuần của VEAM mẹ đạt 318,5 tỷ đồng, giảm 40% so với năm trước đó. Trong khi giá vốn hàng bán cao hơn doanh thu với mức 425,5 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận gộp bán hàng âm 107 tỷ đồng, cùng kỳ ghi nhận lãi gộp hơn 37,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hoạt động tài chính đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận của VEAM trong năm 2023. Cụ thể, doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận hơn 7.940 tỷ đồng, tăng tới 34% so với năm trước đó. Chi phí tài chính ở mức hơn 52 tỷ đồng, tăng 6 lần. Như vậy, Công ty ghi nhận lãi hơn 7.888 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, gấp 1,33 lần năm 2022. Đóng góp cho con số này một phần chính là phần lãi tiền gửi ngân hàng, tăng từ 765,2 tỷ đồng lên tới 1.134,3 tỷ đồng.
Cũng chính nhờ khoản lãi tiền gửi, VEAM tránh khỏi phần nào tác động tiêu cực do hoạt động cốt lõi là sản xuất máy móc nông nghiệp kém hiệu quả mang lại.
Bên cạnh đó, năm 2023 VEAM còn được chia 5.844 tỷ đồng từ Honda Việt Nam, 660 tỷ đồng từ Toyota Việt Nam và 303 tỷ đồng từ Ford Việt Nam. Trong tổng số 13 công ty con và 8 công ty liên doanh liên kết có vốn đầu tư của VEAM, lợi nhuận được chia từ 3 liên doanh hàng đầu nói trên chiếm đến 98% tổng lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Kết quả lợi nhuận sau thuế cả năm của VEAM mẹ đạt 6.795,4 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước đó.
Tính tới 31/12/2023, tổng tài sản của Tổng Công ty đạt 20.359 tỷ đồng, trong đó phần lớn là tài chính ngắn hạn.
Đáng chú ý nhất là tỷ trọng các khoản tiền gửi ngân hàng của VEAM đạt 11.943 tỷ đồng, chiếm tới 58,7% tổng tài sản, tăng nhẹ so với đầu năm, trong đó gần như toàn bộ là tiền gửi ngắn hạn (có 57,5 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn). Trong danh sách này, Ngân hàng BIDV được VEAM gửi nhiều nhất khi có số dư lên tới 5.100 tỷ đồng, tiếp đến là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á với 2.622,5 tỷ đồng, Vietinbank 1.527 tỷ đồng, Vietcombank có 1.386,4 tỷ đồng, Agribank hơn 1.000 tỷ đồng...
Hàng tồn kho ở mức 1.227 tỷ đồng, trong đó dự phòng giảm giá tới 523 tỷ đồng (tăng 32,4% so với đầu năm), trong đó chiếm phần lớn là khoản thành phẩm với 848,2 tỷ đồng nhưng dự phòng lên tới hơn 430 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu tính tới 31/12/2023 của VEAM đạt 20.083 tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm. Trong đó vốn góp chủ sở hữu đạt 13.288 tỷ đồng, thuyết minh cho thấy, Bộ Công Thương đang là cổ đông lớn nhất với số lượng nắm giữ gần 1,18 triệu cổ phiếu, tương ứng 88,47% vốn, còn lại là cổ đông khác.