Theo ông Lê Minh Hoan, Đồng Tháp là tỉnh trọng yếu về nông nghiệp nên ưu tiên kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bằng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ bảo quản, phân phối, chế biến nông sản; các ngành cơ khí, chế tạo máy phục vụ nông nghiệp và hạ tầng logistics... Bên cạnh đó, du lịch gắn với nông nghiệp, du lịch sinh thái cũng được khuyến khích phát triển.
Ông Lê Minh Hoan cho biết liên tục nhiều năm qua, Đồng Tháp được xếp vào nhóm đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), cải cách hành chính. Kết quả này có được là nhờ chính quyền tỉnh luôn thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN). Tất cả hướng đến sự minh bạch trong bộ máy công quyền, tạo điều kiện thuận lợi để tương tác với nhà đầu tư, DN và xã hội một cách hiệu quả nhất cũng như hướng đến một hệ sinh thái khởi nghiệp, cùng đồng hành bằng sự chân thành nhất với DN và nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết qua hội nghị, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư 21 dự án. 23 nhà đầu tư đã cam kết hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu khu nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch, dự án phát triển hạ tầng thương mại với tổng vốn trên 24.000 tỉ đồng. Các DN, nhà đầu tư cũng đóng góp gần 90 tỉ đồng cho an sinh xã hội tỉnh.
Đánh giá về tình hình thu hút đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Đồng Tháp đang là ngôi sao sáng về môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh đã có nhiều hình thức xúc tiến kêu gọi đầu tư, lắng nghe, giải quyết, tháo gỡ vướng mắc trên tinh thần nhà nước, DN và người dân cùng thắng.
Thủ tướng cũng biểu dương Đồng Tháp là địa phương đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp và mong muốn Đồng Tháp tiên phong trong sản xuất chế biến nông nghiệp để rút kinh nghiệm cho cả nước.