Hãng CNN của Mỹ đã đặt câu hỏi tại sao không người tị nạn Ukraine nào được tới Mỹ. Câu trả lời chính là về hệ thống nhập cư mà Chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn đang bất lực ngay cả khi mong muốn có thêm người Ukraine được phép nhập cảnh vào Mỹ.
"Tôi sẽ chào đón những người tị nạn Ukraine", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói từ Nhà Trắng hôm 11/3. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi thực tế rằng chẳng người tị nạn nào trong số 3 triệu người phải rời bỏ gia đình, quê hương chạy trốn xung đột có thể tới được Mỹ.
Những gia đình Mỹ hiện không thể bảo lãnh cho người tị nạn Ukraine. Nhiều nguồn tin của CNN cho biết Chính quyền Biden đang thảo luận về cách giúp đỡ người tị nạn Ukraine đoàn tụ với thành viên gia đình họ ở Mỹ. Tuy nhiên, không nguồn tin nào biết thời điểm chính xác người tị nạn Ukraine có thể vào Mỹ.
Gia tăng khả năng đón nhận người tị nạn tới Mỹ cũng chính xác là những gì Tổng thống Ba Lan thúc đẩy. Tuần trước, Ba Lan đã yêu cầu Phó Tổng thống Kamala Harris đẩy nhanh hơn và đơn giản hóa thủ tục cho phép người Ukraine có gia đình ở Mỹ được phép tị nạn.
Phải mất nhiều năm để một người có thể tị nạn ở Mỹ. Quá trình này mất nhiều thời gian cho sàng lọc hồ sơ. Tuy nhiên, thời gian chính là điều mà những người tị nạn không có. Càng chậm được nhập cảnh ngày nào, họ càng phải sống trong tình cảnh bấp bênh ngày đó.
Năm ngoái, Tổng thống Biden đã nâng giới hạn tiếp nhận người tị nạn của Mỹ lên 62.500, cao hơn rất nhiều so với con số 15.000 mà chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump áp dụng trong nhiệm kỳ. Hiện tại, Mỹ có thể tiếp nhận 125.000 người tị nạn sau khi quy định được thay đổi.
Tuy nhiên, những con số này vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với giai đoạn những năm 1980, khi người Mỹ chào đón hàng trăm nghìn người tị nạn mỗi năm.
Trong khi đó, dòng người tị nạn đặt ra thách thức khủng khiếp cho châu Âu. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cho biết xung đột ở Ukraine tạo ra "cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế kỷ này". Chưa đầy 1 tháng, đã hơn 3 triệu người Ukraine tìm cách rời bỏ đất nước khi chiến sự nổ ra.
Quốc gia tiếp nhận người tị nạn Ukraine nhiều nhất là Ba Lan với hơn 2 triệu người. Ba Lan cũng đang kêu gọi các quốc gia khác chia sẻ gánh nặng với mình. Thủ tướng Ba Lan Andrzej Duda nói rằng nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, thảm họa nhân đạo có thể xảy ra.
Ngoài ra, các quốc gia láng giềng khác của Ukraine như Hungary, Moldova, Slovakia và Romania cũng tiếp nhận hàng chục đến hàng trăm nghìn người tị nạn. Các nước châu Âu cũng bày tỏ sự sẵn sàng đón người Ukraine.
Tuy nhiên, cũng xuất hiện thông tin cho rằng nhiều người tị nạn Ukraine đã không thể vào Anh bất chấp họ có người thân ở đó. Thậm chí, chính tờ BBC cũng cho rằng tốc độ xử lý hồ sơ tị nạn đã khiến Vương quốc Anh bị chỉ trích nặng nề.
Hiện tại, xung đột Ukraine vẫn đang tiếp diễn và các cuộc đàm phán hòa bình vẫn đang được tiến hành. Thế giới đang trông đợi vào cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.
Tham khảo: CNN