Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), tính chung trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 3,34 tỷ USD, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 1,83 tỷ USD, chiếm 54,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Thị trường bất động sản Việt Nam thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài (Ảnh minh họa). |
Lĩnh vực xây dựng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 345,4 triệu USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 312,1 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trước đó, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy trong tháng 1/2018 vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản đạt 77 triệu USD. Như vậy, sang tháng 2/2018, vốn ngoại đổ vào thị trường địa ốc lại tiếp tục tăng mạnh với hơn 230 triệu USD.
Còn trong năm 2017, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (cả vốn trực tiếp FDI và góp vốn mua cổ phần), với 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký. Luỹ kế đến cuối năm 2017, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã thu hút với 53,1 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư.
Theo Jones Lang LaSalle (JLL), các dòng vốn nước ngoài đang có xu hướng ồ ạt tìm bến đỗ tại thị trường Việt Nam khiến năm qua, thị trường bất động sản đón chào một số lượng kỷ lục các nhà đầu tư ngoại, chủ yếu là các quỹ đầu tư tư nhân, muốn triển khai vốn nhanh chóng và hiệu quả.
Thị trường bất động sản Việt Nam thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), với nền tảng kinh tế chung vững vàng và nhu cầu nhà ở còn cao tại Việt Nam, xu thế hợp tác cùng phát triển dự án giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ còn tăng mạnh trong năm 2018 này.
Theo ông Đặng Xuân Minh – Tổng Giám đốc AVM Vietnam & Vietnam M&A Forum, có 3 vấn đề để M&A bất động sản sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Một là, công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ, theo thống kê thì có rất nhiều doanh nghiệp trong nước thực hiện M&A khá thành công trên thị trường. Hai là, sự trỗi dậy của nhiều đơn vị tư nhân trong ngành. Ba là, sự quan tâm và ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam, trong đó từ năm 2016 đến nay, TP.HCM luôn là điểm đến được khuyến nghị đầu tư.
Qua quan sát của JLL, hiện có hàng trăm triệu đô la đang chờ đợi để đổ vào thị trường trong nước ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và sự tăng trưởng của các nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
Hồng Khanh
UBND TP Hà Nội chỉ đạo Cục thuế Hà Nội thu hồi tiền thuế nợ đọng của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt theo đúng quy định của pháp luật tại dự án khu đô thị Quang Minh
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời về đề án tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển nhà ở tại địa phương do tỉnh Quảng Ngãi đề xuất
Năm 2018 cũng sẽ là năm mà thị trường bất động sản phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn về quan hệ cung - cầu, tiếp cận quỹ đất đầu tư, thủ tục hành chính…