Phản ánh đến Tiền Phong, chị N.T.T (36 tuổi, công nhân Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Đan Hoài, thuộc Cty đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy) cho biết, đang ở trong tình cảnh chạy ăn từng bữa khi từ đầu năm đến nay chưa nhận được 1 đồng tiền lương nào từ công ty.
Chị T cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, để đảm bảo tiến độ vụ đông xuân, hàng trăm công nhân công ty làm việc cật lực không quản ngày đêm. Tuy nhiên, đến cuối tháng, công ty đều thông báo không có tiền lương để trả, phải nợ từ tháng này sang tháng khác.
“Để đảm bảo cuộc sống, suốt 3 tháng nay, chị T phải đi vay tiền để chi tiêu sinh hoạt. Lúc đầu vay của người thân, giờ dịch bệnh ai cũng khó khăn nên phải vay lãi ngoài. Cả gia đình chạy đôn chạy đáo. Tình trạng này kéo dài, không biết gia đình tôi sống sao", chị Thành nghẹn ngào nói.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh T.V.M (công nhân Cty TNHH MTV Thủy lợi sông Tích) cho biết, công việc của người làm thủy lợi nắng chống hạn, mưa chống úng, không phụ thuộc vào ngày nghỉ hay đêm tối. Thế nhưng, tiền lương thì chưa bao giờ được nhận đầy đủ, đúng hạn. Năm nào, công nhân cũng lặp lại điệp khúc “dài cổ chờ lương” khiến đời sống công nhân thủy nông luôn chật vật trong khó khăn.
Ngoài 2 công ty trên, phóng viên còn nhận được phản ánh của nhiều công nhân ở các công ty thủy nông khác về tình trạng nợ lương trong suốt 3 tháng đầu năm 2020.
Nợ lương do chưa chọn được nhà thầu
Theo tìm hiểu của phóng viên, hệ thống thủy lợi của TP Hà Nội gồm có 2.214 trạm bơm, 513 đập, hồ chứa, hơn 35.000 hệ thống dẫn, chuyển nước và gần 49.000 cống, xi phông, cầu máng; phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 316.000ha/năm.
Để quản lý và vận hành hệ thống thủy lợi, UBND TP Hà Nội giao 4 công ty gồm: Cty đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội, Cty đầu tư phát triển Thủy lợi sông Nhuệ, Cty đầu tư Phát triển Thủy lợi sông Đáy và Công ty TNHH MTV Thủy lợi sông Tích với đội ngũ nhân sự lên tới 3.500 người.
Ông Doãn Văn Kính, Chủ tịch Cty TNHH MTV đầu tư phát triển Thuỷ lợi Sông Đáy cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, công ty chưa hề nhận được bất kỳ nguồn kinh phí nào do UBND TP cấp để trả lương cho hơn 800 công nhân thuỷ nông của công ty.
Để giải quyết tình trạng này, công ty đã phải đi vay bằng tín chấp và vay của một số anh em bên ngoài. Được mấy tỉ đồng, công ty trả lương cho mỗi công nhân 2 triệu đồng/người. Nhưng hiện, công ty không vay được nữa nên tất cả công nhân đều phải nợ lương.
Theo ông Kính, nguyên nhân dẫn đến tình trạng công nhân thủy nông trên địa bàn TP Hà Nội bị nợ lương do những vướng mắc trong thực hiện Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Theo đó, từ năm 2013-2019, việc cung ứng dịch vụ công ích thuỷ lợi được thực hiện theo hình thức đặt hàng với các doanh nghiệp thuỷ lợi. Từ khi có Nghị định 32 đến nay, UBND TP Hà Nội vẫn chưa thống nhất được phương án lựa chọn nhà thầu thuỷ lợi theo hình thức đấu thầu hay đặt hàng dẫn đến việc các công ty thuỷ lợi chưa thể hoàn thiện các thủ tục pháp lý để nhận kinh phí.
Ông Nguyễn Chí Hải, TGĐ Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích cho biết, công ty này cũng đang nợ lương gần 800 công nhân. Đợt vừa rồi, công ty cũng phải đi vay ngân hàng để chi trả một phần lương cho công nhân.
“Hiện các công ty đã kiến nghị lên UBND TP Hà Nội. Thành phố đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành về tháo gỡ khó khăn vướng mắc của Nghị định 32. Mong kiến nghị được xử lý sớm, chứ hàng nghìn công nhân đang rất khó khăn”, ông Hải nói.