Một nghiên cứu cho thấy rằng trong hai năm qua, 52% vụ ra đi được công bố của các CEO ở những công ty trong nhóm Russell 3000 Index có khả năng là kết quả của việc bị sa thải. Con số đó bao gồm những người nói rằng họ đã từ chức, chỉ cảm thấy đó là thời gian phù hợp để ra đi hoặc có một sự thôi thúc đột ngột để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
"Nói cách khác, hơn một trong hai CEO ra đi là do bị áp lực phải làm thế", Daniel Schauber, người sáng lập Exechange, một dịch vụ theo dõi sự ra đi của giám đốc điều hành.
Exechange dùng thang điểm từ 0 đến 10 để gán cho các CEO ra đi một điểm số mà họ gọi là "đẩy ra". Điểm 0 nghĩa là sự ra đi của CEO đó gần như chắc chắn là tự nguyện, trong khi điểm 10 cho thấy một sự ra đi bị bắt buộc công khai. Bất cứ trường hợp nào trên điểm 5 đều cho thấy có lý do để tin rằng một CEO có thể đã bị "đẩy ra".
Điểm số tính đến các yếu tố khác nhau như CEO ra đi nhanh như thế nào, tuổi và nhiệm kỳ của CEO đó, giá cổ phiếu của công ty và từ ngữ được sử dụng để mô tả sự ra đi trong thông báo chính thức.
Ví dụ, một CEO ở độ tuổi 50 có thể sẽ bị điểm cao khi ông rời đi sau một nhiệm kỳ ngắn mà không có lời giải thích và khi giá cổ phiếu của công ty đang bị rớt, kế hoạch kế nhiệm của ông rất mờ nhạt và những lời của hội đồng quản trị dành cho ông là hững hờ.
Một nghiên cứu khác từ The Conference Board, chỉ xem xét hiệu suất cổ phiếu và độ tuổi của các CEO ra đi, ước tính rằng từ năm 2001 đến 2017, trung bình 24% các CEO ra đi có khả năng bị sa thải vì thể hiện kém.
Tuy vậy, một hội đồng quản trị cũng có thể chọn cách miễn nhiệm một CEO vì nhiều lý do khác, nghĩa là số lượng CEO bị sa thải có khả năng cao hơn, theo Matteo Tonello, giám đốc điều hành tại hiệp hội nghiên cứu này.
Dựa trên các cuộc phỏng vấn với 73 CEO đã bị sa thải, các nhà nghiên cứu của Dự án bộ gien CEO nhận thấy rằng những lý do hàng đầu để sa thải là: hiệu quả kinh doanh kém (30%), có vấn đề trong mối quan hệ với hội đồng quản trị (26%), thiếu bộ kỹ năng quan trọng (22%) và xa lánh đội ngũ quản lý (12%).
Và, tất nhiên, cũng có nhiều vụ sa thải thu hút sự chú ý lớn do bị cáo buộc có hành vi sai trái về mặt hình sự và đạo đức.
Tại sao tất cả đều bí mật?
Một hội đồng quản trị có thể chọn cách làm nhẹ bớt các tuyên bố công khai của mình để bảo vệ công ty và danh tiếng của nó, cũng như để tránh bất kỳ vụ kiện tụng hoặc đổ lỗi nào.
"Khi hội đồng quản trị sa thải một CEO, họ cần phải nhìn vào thất bại của riêng người đó. Họ luôn ‘đồng lõa’ trong thất bại của CEO vì chính họ đã thuê người đó", Tiến sĩ Kerry Sulkowicz, hiệu trưởng quản lý của Boswell Group, tập đoàn cố vấn cho các CEO và các hội đồng quản trị, phân tích.
Hội đồng quản trị cũng muốn tránh làm tổn hại đến uy tín của một CEO sắp ra đi, bởi vì thường có thỏa thuận "không làm mất uy tính lẫn nhau" giữa đôi bên, và làm như vậy cũng sẽ khiến họ khó thu hút các ứng cử viên tốt để lấp vào vị trí này.
Về phần các CEO, ngay cả khi cảm thấy bị sa thải một cách bất công, họ cũng thường không phàn nàn công khai vì họ có quá nhiều vấn đề.
"Những người quản lý cấp cao rất quan tâm đến những khiếm khuyết đối với thương hiệu của chính họ. Họ muốn đảm bảo rằng thông điệp phù hợp được đưa ra và họ vẫn còn ‘có giá’. Do vậy, khả năng họ muốn giữ im lặng là cao hơn nhiều", Howard Levitt, quản lý cao cấp của Levitt LLP - công ty luật việc làm có trụ sở tại Toronto, cho biết.