Báo cáo này cũng cho thấy, 87% người tiêu dùng đang sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà và 98% trong số họ đã đặt giao hàng thường xuyên hơn trong giai đoạn đại dịch.
Về cơ bản, siêu ứng dụng là một ứng dụng gồm nhiều ứng dụng con hoạt động trong đó. Nền tảng công nghệ này tích hợp các tính năng từ gọi xe, giao nhận hàng hóa, giao đồ ăn, đi chợ hộ đến các giải pháp thanh toán như ví điện tử, thanh toán tiền điện, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền,… Hệ sinh thái các ứng dụng này góp phần tiết kiệm dung lượng điện thoại cũng như tiết kiệm thời gian khi không phải mở nhiều ứng dụng. Trong nhiều năm trở lại đây, cuộc đua “super app” phát triển không ngừng ở Việt Nam, Đông Nam Á và cả châu Á.
Các siêu ứng dụng ở Việt Nam, cũng giống như các siêu ứng dụng khác - đều xuất phát từ một dịch vụ cơ bản (gọi xe, nhắn tin, mạng xã hội), sau đó tích hợp thêm các tính năng mới, ví dụ như thanh toán điện tử vào nền tảng ban đầu, với sự tham gia của từ ông lớn, ông nhỏ đến đại gia ngoại quốc.
Hiện tại, trong cuộc đua siêu ứng dụng ở Việt Nam, Grab là cái tên nổi bật nhất với các dịch vụ giao nhận thức ăn, kết nối di chuyển cùng với thanh toán trực tuyến thông qua nền tảng thanh toán Moca.
Tính đến nay, Moca đang có liên kết trực tiếp với 25 ngân hàng và 1 ngân hàng số tại Việt Nam. Người dùng không chỉ có thể dùng Grab-Moca để thanh toán cho các dịch vụ di chuyển, đặt đồ ăn, đi chợ hộ… trên ứng dụng Grab mà còn có thể thanh toán ngoài ứng dụng Grab như thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, mua sắm trực tuyến... Mới đây, Moca đã hợp tác với công ty công nghệ thanh toán điện tử Visa khuyến khích người tiêu dùng cài đặt tính năng lưu trữ thông tin thẻ và sử dụng thẻ Visa để thanh toán trực tuyến nhanh chóng, tiện lợi thông qua các giải pháp thanh toán của Moca trên ứng dụng Grab và các nền tảng thương mại điện tử khác.
Ngoài Grab, Gojek cũng hướng tới việc trở thành một siêu ứng dụng. Tại Việt Nam, siêu ứng dụng này đã kết nối hơn 150.000 đối tác tài xế và 80.000 đối tác nhà hàng với hàng triệu người dùng Việt qua 3 dịch vụ đặt xe (GoRide), đặt món (GoFood), và đặt giao hàng (GoSend). Cũng với tham vọng trở thành một siêu ứng dụng, Zalo, be, Momo, Traveloka, Lozi, Foody đã tích hợp thêm nhiều chức năng mới vào nền tảng ứng dụng ban đầu.
Chưa có một nghiên cứu chính thức nào về cách thức vận hành cũng như tác động của các siêu ứng dụng này ở Việt Nam, nhưng các nhà phân tích của Nikkei Asia giải thích rằng, về cơ bản, siêu ứng dụng thu hút người dùng giữa một biển ứng dụng - và khiến họ lệ thuộc vào chúng.
Nghiên cứu của McKinsey Global Institute tại Trung Quốc chỉ ra, phát triển các siêu ứng dụng có thể đẩy nhanh quá trình thương mại hóa và tăng hiệu suất của các sản phẩm và dịch vụ mới lên đáng kể. Ví dụ, phải mất 8 năm để Alibaba AliExpress Taobao đạt được 100 triệu người dùng, nhưng chỉ có 5 để Alipay đạt được cột mốc tương tự. Nhìn chung, các siêu ứng dụng này đóng 3 vai trò quan trọng đối với nền kinh tế: (1) Thay đổi thói quen người dùng; (2) Thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt; (3) Thu hẹp khoảng cách trong các giai đoạn phát triển internet.