Hơn 5.000 người có thể vẫn còn mất tích sau trận động đất 7,5 độ richter gây sóng thần vào hôm 28/9 tại hòn đảo Sulawesi của Indonesia, CNN dẫn thông tin từ quan chức nước này cho biết.
Số người thiệt mạng do thảm họa kép này là 1.763 người, với 265 người đang mất tích tại Palu, thành phố lớn nhất của đảo Sulawesi, Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của Cơ quan Quản lý Thiên tai của Indonesia cho biết ngày hôm qua (7/10).
Nugroho ước tính hàng nghìn người có thể vẫn mất tích tại các thị trấn Baleroa và Petobo - nơi bị đất hóa lỏng nặng nề. Sau động đất, đã có hơn 1.000 căn nhà tại 2 thị trấn này bị chôn vùi trong đất lỏng.
Giáo sư Jonathan Stewart của Phòng Kỹ thuật Dân dụng và Môi trường của Đại học California cho biết đất hóa lỏng là hiện tượng đất bão hòa với nước, xảy ra do địa nhấn như động đất. Trong cơn động đất, nước tạo ra áp lực lớn trong đất, dẫn đến tình trạng mất cường độ và sức kháng, khi đó đất sẽ gần như chất lỏng. Quá trình này được cho là có vai trò lớn trong các trận động đất lớn khác như tại Nhật Bản và New Zealand vào năm 2011.
Tại Sulawesi, lực lượng gồm 82.000 quân nhân, dân thường và tình nguyện viên vẫn đang tiếp tục tìm kiếm và nỗ lực giải cứu những người sóng sót thậm chí khi hòn đảo này hứng chịu 451 dư chấn sau trận động đất hôm 28/9.
Cơ quan Quản lý Thiên tai Indonesia cho biết công tác tìm kiếm những người sống sót sẽ kết thúc vào thứ 5 tuần này, dù nhiều quan ngại rằng vẫn còn nhiều người có thể vẫn đang bị chôn vùi trong đất bùn.