Indonesia hôm 2-3 ghi nhận những ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) đầu tiên bên trong nước mình. Tổng thống Indonesia Joko Widodo tiết lộ một phụ nữ 64 tuổi và con gái 31 tuổi cho kết quả dương tính với virus gây Covid-19 (gọi là SARS-CoV-2) và đang được điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Jakarta. Hai bệnh nhân này trước đó đã tiếp xúc với một người Nhật có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Tổng thống Widodo đã tìm cách trấn an người dân khi nhấn mạnh Jakarta đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó bất kỳ đợt bùng phát dịch Covid-19 nào với hơn 100 bệnh viện có các phòng cách ly đủ tiêu chuẩn. Trước đó, một số người Indonesia bị nhiễm virus SARS-CoV-2 bên ngoài nước này, trong đó có 9 thành viên thủy thủ đoàn của du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly ở Nhật Bản.
Trong khi đó, đà lây lan chưa có dấu hiệu chậm lại của dịch Covid-19 buộc nhà chức trách giáo dục Hàn Quốc hoãn thời điểm bắt đầu học kỳ mới thêm 2 tuần, tức đến ngày 23-3. Số ca nhiễm mới tăng thêm 599 lên 4.335 hôm 2-3. Số trường hợp tử vong cũng tăng thêm 4 lên 26.
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại nhà của 2 người cho kết quả dương tính với virus gây Covid-19 tại TP Depok - Indonesia Ảnh: EPA-EFE
Tình hình tại một nước châu Á khác là Iran cũng ngày càng nghiêm trọng khi số ca nhiễm và người tử vong vì Covid-19 lần lượt tăng lên 978 và 54. Trong số nạn nhân của Covid-19, theo truyền thông địa phương hôm 2-3, có ông Mohammad Mirmohammadi, 71 tuổi và là một cố vấn của nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Còn tại Úc, nỗi lo về Covid-19 đến từ 2 trường hợp đầu tiên lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng vừa được xác nhận hôm 2-3. Reuters dẫn lời giới chức y tế bang New South Wales cho biết một bác sĩ 31 tuổi đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 dù hiện chưa rõ ông bị lây nhiễm từ ai. Trường hợp còn lại là một phụ nữ 41 tuổi, bị nhiễm virus sau khi em trai bà trở về từ Iran. Theo thống kê, Úc hiện có 32 ca bệnh và 1 người tử vong do Covid-19.
Gây lo ngại không kém là sự lây lan của Covid-19 ở châu Âu, nơi "ổ dịch" Ý có số ca nhiễm mới tăng vọt lên 1.694 trong lúc số trường hợp tử vong là 34 tính đến ngày 2-3. Trong khi đó, Luxembourg trở thành quốc gia mới nhất ở châu Âu xác nhận trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Bệnh nhân là một người đàn ông 40 tuổi vừa trở về từ Ý qua sân bay Charleroi ở Bỉ vào đầu tuần này. Theo hãng tin DPA, Cộng hòa Czech hôm 2-3 cũng tham gia danh sách hơn 60 nước có Covid-19 sau khi 3 ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại nước này. Riêng nước Đức có số ca mắc Covid-19 tăng lên 129 hôm 2-3, so với con số 66 một ngày trước đó.
Nỗi lo về sự lây lan của Covid-19 giờ đây xuất hiện ở châu Phi, nhất là sau khi Nigeria xác nhận trường hợp nhiễm đầu tiên. Đó là một người Ý đáp máy bay từ TP Milan đến thủ đô Lagos - Nigeria trong tuần rồi và sau đó đến bang Ogun công tác. Theo trang Bloomberg, nhà chức trách y tế Nigeria đã yêu cầu hơn 100 người từng tiếp xúc với người Ý nói trên tự cách ly.
Phủ bóng ngày bầu cử "siêu thứ ba"
Các quan chức bầu cử Mỹ đang nỗ lực trấn an cử tri và đối phó nguy cơ xảy ra gián đoạn trong các cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra ngày 3-3, giữa lúc tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong ngày bầu cử "siêu thứ ba" này, 14 bang và vùng lãnh thổ Samoa sẽ tiến hành bầu cử sơ bộ để bầu chọn đại biểu đại diện cho các ứng cử viên tại đại hội đảng toàn quốc của cả hai đảng Dân chủ, Cộng hòa.
Bang California, một trong những bang đông nhất nước, hiện có hơn 30 ca Covid-19 và trên 8.400 người đang bị giám sát. Các quan chức bầu cử địa phương đang lo lắng quy mô ngày càng tăng của dịch bệnh có thể tác động tiêu cực đến cuộc bỏ phiếu ngày 3-3.
Nỗi lo này càng tăng sau khi bang California cũng ghi nhận một số trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, bên cạnh hai bang Oregon và Washington. Riêng bang Washington hôm 1-3 thông báo trường hợp tử vong thứ 2 vì Covid-19 trong lúc bang New York thông báo ca nhiễm đầu tiên. Cùng ngày, bang Florida đã ban bố tình trạng sức khỏe công cộng khẩn cấp sau khi xác nhận hai ca bệnh đầu tiên.
Với tổng số ca nhiễm tăng lên hơn 75, chính quyền Tổng thống Donald Trump nỗ lực trấn an người dân trong lúc lập luận rằng công chúng, giới truyền thông đang phản ứng quá mức. Dù vậy, một số ứng viên tổng thống tiềm tàng của Đảng Dân chủ đã lên tiếng chỉ trích cách thức ứng phó với dịch bệnh của ông Trump. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một trong những ứng viên sáng giá, kêu gọi chính quyền ông Trump chấm dứt công bố những thông tin "sai sự thật" và "phản khoa học" về Covid-19.