Thông tin trên được Bộ Xây dựng cho biết tại Báo cáo Thị trường bất động sản quý 2/2022 vừa được phát hành.
Cụ thể, tại báo cáo trên, dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đơn vị quản lý ngành xây dựng này cho biết, tính đến 30/6/2022 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 784.575 tỷ đồng.
Chia theo phân khúc, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 182.263 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 23,2% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 46.667 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,95% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 36.343 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 34.618 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,4% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 56.864 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,25% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 141.308 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 78.861 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,1% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 207.651 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,5% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tại văn bản trên, đơn vị này đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 lên 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây. Đồng thời, cho phép ngân hàng thương mại được cho khách hàng vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay trong các quan hệ giao dịch dân sự với bên thứ ba, hoặc cho vay để góp vốn…
Theo HoREA, báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng dư nợ tín dụng bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng đạt mức tăng trưởng 12,31% cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của nền kinh tế là 9,35%.
Tuy nhiên, thực chất tăng trưởng tín dụng kinh doanh bất động sản chỉ là 786.000 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 8,4%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của nền kinh tế 9,35%. Điều đó cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người mua nhà khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn so với trước đây.
Do đó, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại "Hội nghị về phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 14/7/2022, không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý Nhà nước, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường, với nghệ thuật điều hành mềm dẻo, linh hoạt, có hiệu quả.