Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 6/2018, giá sắn nguyên liệu và tinh bột sắn về nhà máy tăng nhẹ, giá xuất khẩu của các nhà máy giao dịch khoảng 530 - 535 USD/tấn FOB.
Hiện tại một vài nhà máy tại Tây Ninh chạy cầm chừng do khai thác được nguồn nguyên liệu sắn củ tươi nội vùng. Tuy nhiên, giá thu mua vẫn ở mức khá cao. Tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc khá thuận lợi, nhưng nguồn hàng của Việt Nam không nhiều. Nguồn tinh bột sắn tồn kho nhà máy Việt Nam thấp, đẩy giá chào bán lên cao.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 5/2018 cả nước đã xuất khẩu được 223,49 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 100,15 triệu USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 20,8% về trị giá so với tháng 4/2018, so với cùng kỳ năm 2017 giảm 12,1% về lượng nhưng tăng 57,1% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân tăng 78,8% so với cùng kỳ năm 2017 lên 448,1 USD/tấn. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn đã xuất khẩu đạt 1,31 triệu tấn, trị giá 468,11 triệu USD, giảm 23,6% về lượng nhưng tăng 10,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Tính riêng mặt hàng sắn, trong tháng 5/2018 đã xuất khẩu được 47,8 nghìn tấn, trị giá 12,22 triệu USD, giảm 8,3% về lượng và giảm 3,7% về trị giá so với tháng 4/2018, so với cùng kỳ năm 2017, giảm 57,9% về lượng và giảm 36,4% về trị giá. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, lượng sắn đã xuất khẩu đạt 520,05 nghìn tấn, trị giá 109,8 triệu USD, giảm 28,8% về lượng và giảm 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Trong tháng 5/2018, Việt Nam xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc là chủ yếu, chiếm 81,1% tổng lượng sắn xuất khẩu của cả nước, đạt 181,26 nghìn tấn, trị giá 82,92 triệu USD, giảm 0,9% về lượng nhưng tăng 10,3% về trị giá so với tháng 4/2018, so với cùng kỳ năm 2017, giảm 22% về lượng nhưng tăng 48,6% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân tăng 90,5% so với cùng kỳ năm 2017 lên mức 457,5 USD/tấn.
Nhìn chung trong tháng 5/2018, lượng sắn và sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đều tăng mạnh so với tháng 4/2018, trừ thị thường Malaysia và Trung Quốc. Đáng chú ý, trong tháng 5/2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng mạnh, tăng 3.571,4% về lượng và tăng 3.571,4 về trị giá so với tháng 4/2018 và so với cùng kỳ năm 2017 tăng gấp 11 lần về lượng và tăng gấp 14 lần về trị giá, với khối lượng đạt 20,85 nghìn tấn, trị giá 5,83 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 279,9 USD/tấn, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong tháng 5/2018, xuất khẩu tinh bột sắn đạt 174,54 nghìn tấn, trị giá 87,5 triệu USD, tăng 20,5% về lượng và tăng 23,5% về trị giá so với tháng 4/2018, giá xuất khẩu trung bình đạt 501,3 USD/tấn, tăng 2,5% so với tháng 4/2018. Trong đó, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 87,9% lượng tinh bột sắn xuất khẩu, với khối lượng đạt 153,36 nghìn tấn, trị giá 63,25 triệu USD, tăng 18% về lượng và tăng 10,9% về trị giá so với tháng 4/2018.
Xuất khẩu sắn lát khô đạt 47,22 nghìn tấn, trị giá 12,11 triệu USD, giảm 8,3% về lượng nhưng tăng 4,1% về trị giá so với tháng 4/2018, được xuất khẩu sang Trung Quốc và Hàn Quốc, giá xuất khẩu trung bình đạt 256 USD/tấn, tăng 13,3% so với tháng 4/2018.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2018, Hàn Quốc nhập khẩu 125,36 nghìn tấn sắn lát và tinh bột sắn, trị giá 21,12 triệu USD, tăng 0,2% về lượng, nhưng giảm 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, Hàn Quốc đẩy mạnh nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn từ Thái Lan, nhưng lại giảm nhập khẩu tại Việt Nam. Theo đó, lượng sắn lát và tinh bột sắn nhập khẩu từ Việt Nam đạt 32,49 nghìn tấn, trị giá 9,45 triệu USD, giảm 22,2% về lượng và giảm 14,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Thị phần sắn lát và tinh bột sắn Việt Nam trong tổng nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Hàn Quốc giảm từ 33,4% trong 5 tháng đầu năm 2017, xuống còn 25,9% trong 5 tháng đầu năm 2018. Trong khi đó, thị phần sắn lát và tinh bột sắn của Thái Lan tăng mạnh, tăng từ 66,6% trong 5 tháng đầu năm 2017, lên 74,1% trong 5 tháng đầu năm 2018.