Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Theo tính toán của PV, đã có trên 81.300 tỷ đồng dòng vốn tín dụng đã "chảy ngược" về các ngân hàng thương mại trong tháng 1 vừa qua.
Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng năm 2024, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, tăng trưởng tín dụng đang âm so với cuối năm 2023.
Đơn cử như tại Vietcombank , theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng, hết tháng 1, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank đạt 1,24 triệu tỷ đồng, giảm khoảng 30.000 tỷ (tương đương 2,23%) so với cuối năm 2023.
Lý giải nguyên nhân tín dụng tăng trưởng âm, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, do tín dụng bất động sản tiêu dùng giảm vì kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm sút, thị trường bất động sản trầm lắng. Các dự án được cấp phép cả năm 2023 và tháng đầu tiên năm 2024 giảm. Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến pháp lý làm chậm tiến độ triển khai dự án mới.
Lý do khác, đó là trong cảnh kinh tế thế giới khó khăn, đứt gãy chuỗi kinh tế toàn cầu, tỷ trọng dư nợ ngắn hạn bán buôn có yếu tố thời vụ phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa theo đó cũng giảm, trong khi đây là nhóm khách hàng quan trọng của Vietcombank . Các khách hàng FDI cũng trả nợ khoản vay ngắn hạn.
Tuy nhiên, xét tổng thể theo ông Tùng vấn đề tăng trưởng tín dụng của Vietcombank vẫn nằm trong kế hoạch của nhà băng này. "Trong thời gian tới là tiếp tục triển khai cho vay lãi suất thấp so với thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân", ông Tùng nói.
"Ông lớn" quốc doanh khác là BIDV cũng diễn ra "kịch bản" tương tự. Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV tiết lộ rằng, đến nay tín dụng của ngân hàng giảm khoảng 25.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là kinh tế khó khăn. Các động lực tăng trưởng sản xuất tiêu dùng, xuất khẩu… đối mặt nhiều khó khăn, các đơn hàng xuất khẩu chậm. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ tăng nhẹ nhưng doanh nghiệp tạm ngừng tăng 25% so với cùng kỳ.
Chưa hết, thời gian qua năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu, điện đối mặt với pháp lý. Các khoản nợ cơ cấu đến hạn 2024, 2025 nên áp lực trả nợ rất lớn, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nguy cơ tăng theo. Doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu nên việc xem xét cấp tín dụng sẽ gặp khó khăn.
Thậm chí như tại Agribank, mặc dù ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm. Sau Tết Nguyên đán, tiền được gửi vào rất nhiều. Nguồn vốn ngân hàng rất dồi dào, nhưng ở chiều ngược lại cho vay ra lại khó, theo ông Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng.
Ông Vượng cho hay, đến tháng 1/2024, dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,54 triệu tỷ đồng, giảm 15.000 tỷ đồng, giảm 0,97% so với đầu năm. Đáng nói, tuy dư nợ giảm mạnh vào những ngày đầu tháng 1/2024, nhưng đến giữa tháng 1/2024, dư nợ đã tăng trưởng trở lại 7.000 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng của Agribank vẫn cao hơn 0,4%, số tuyệt đối cao hơn gần 5.000 tỷ đồng. Doanh số cho vay tháng 1/2024 đạt 206.000 tỷ đồng, cao hơn 66.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
"Như vậy, Agribank vẫn đang thực hiện tốt vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế", ông Vượng nói.
Khối ngân hàng cổ phần tư nhân cũng không ngoại lệ khi dòng vốn tín dụng "chảy ngược" về ngân hàng trong tháng đầu năm 2024.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, hiện room tín dụng không còn là vấn đề, dư địa cho vay nhiều nhưng quan trọng là ngân hàng phải kiếm được khách hàng tốt để cho vay, kể cả cho vay cá nhân.
Dưới góc độ nhà quản lý nhà nước về tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú lý giải, tín dụng giảm trong tháng 1 là tình trạng chung những năm gần đây. Nguyên nhân đầu tiên là tính chất quy luật của thị trường. Giai đoạn đầu năm tín dụng thường không tăng, doanh nghiệp hạn chế vay nợ đầu năm mới. Ngoài ra, một phần nguyên nhân đến từ khó khăn chung của nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn, nhất là vay tiêu dùng đang gặp khó. Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ 'room' tín dụng toàn bộ ngay từ đầu năm, rất rộng rãi. Vì vậy, tín dụng giảm trong tháng 1 không phải do cơ chế chính sách.
Nhấn mạnh công tác tín dụng là nội dung trọng yếu trong năm nay, Phó Thống đốc cho biết, ngay từ đầu năm, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực, chủ động cung ứng vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Nguồn vốn phải góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và khôi phục nền kinh tế. Nhưng mở rộng tín dụng phải đảm bảo an toàn, lành mạnh, đúng đối tượng và kiểm soát rủi ro, không hạ chuẩn tín dụng. Không để nợ xấu tăng cao.
Chính vì vậy, trong năm nay NHNN sẽ giám sát chặt chẽ việc triển khai dòng vốn, dòng tiền đi vào lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, hướng vốn vào lĩnh vực ưu tiên, vào lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.
"Quan điểm nhất quán của NHNN là mở rộng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế. Nếu điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép, hoạt động của các NHTM lành mạnh, ổn định, đưa dòng vốn vào đúng đối tượng, mục đích thì NHNN sẵn sàng tăng thêm chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng . Tuy không thắt chặt nhưng không nên cho vay bằng mọi giá mà cần hài hòa đảm bảo hai yếu tố trên. Điều này đòi hỏi sự năng động, quyết đoán, tìm hiểu, chia sẻ của các ngân hàng . Năm nay NHNN sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ về tăng trưởng tín dụng kiểm tra thông qua Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng . Đảm bảo tín dụng hướng vào lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, nhưng có điều kiện phục hồi", Phó Thống đốc nêu.
Cũng theo ông Tú, tăng trưởng tín dụng đặt ra là 15%. Bên cạnh đó, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa có ý định tăng hay giảm lãi suất điều hành trong những tháng đầu năm khi tình hình kinh tế đang có xu hướng tích cực. Mục đích là để tạo điều kiện cho ngân hàng cho vay phục vụ xuất nhập khẩu, sản xuất - kinh doanh.