Dịch Covid-19 kéo dài làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 9 có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%.
Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%.
Tổng số vốn đăng ký của các DN mới là 1.195,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký.
Nhiều cơ sở kinh doanh vẫn đang "cửa đóng then cài" sau khi Hà Nội nới giãn cách. Ảnh: Lương Bằng |
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tổng cục Thống kê lưu ý: Số liệu này có thể chưa phản ánh được thực sự số doanh nghiệp thực tế rút lui khỏi thị trường, bởi trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục.
Theo điều tra khảo sát của Tổng cục Thống kê, ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn; chỉ có 38,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III/2021 so với quý II/2021 tốt lên và giữ ổn định (13,2% tốt lên và 25,4% giữ ổn định). Trong khi đó, 61,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Về chỉ số đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản phẩm sản xuất cho thấy tình trạng khó khăn tương tự. Trong bối cảnh khó khăn chung nhưng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học và sản xuất trang phục vẫn có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước.
Dự báo quý IV/2021, tình hình khả quan hơn nhiều so với quý III/2021 khi có tới 73,7% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn và giữ ổn định (43,4% tốt hơn, 30,3% giữ ổn định), tỷ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn giảm xuống chỉ còn 26,3%.
Tổng cục Thống kê cũng khảo sát nhận định về các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại 4 tỉnh, thành phía Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19.
Tại TP.HCM, chỉ có 9,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2021 so với quý II/2021 tốt hơn và giữ ổn định; còn lại là doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2021, khả quan hơn quý III/2021 với 49,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và giữ ổn định, còn lại doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.
Tại Bình Dương, đánh giá khả quan hơn với 50,7% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2021 so với quý II/2021 tốt hơn và giữ ổn định, nửa còn lại khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021, có 87,2% doanh nghiệp dự báo tốt hơn và giữ ổn định và 12,8% khó khăn hơn.
Tại Đồng Nai, chỉ có 0,4% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2021 so với quý II/2021 tốt hơn, 9,3% đánh giá giữ ổn định và 90,3% đánh giá khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2021 lạc quan hơn với 75,8% tốt hơn và giữ ổn định, còn lại là đánh giá khó khăn hơn.
Tại tỉnh Long An, không có doanh nghiệp nào đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý III/2021 tốt hơn quý II/2021, 28,1% doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định và 79,9% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021 lạc quan hơn với 56,1% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 33,4% giữ nguyên và chỉ còn 10,5% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.
Lương Bằng