Trường hợp DN, cơ sở sản xuất kinh doanh không thực hiện đúng phương án đã đăng ký phải tạm dừng hoạt động. Nếu không tổ chức kiểm tra, đánh giá điều kiện an toàn phòng, chống dịch theo phương án đã đăng ký, để phát sinh và xảy ra lây lan dịch bệnh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.
Ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, Sở đã phối hợp với Sở Y tế, CDC thực hiện thẩm định các phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất” của các DN nằm ngoài khu công nghiệp (KCN) và có trên 100 lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Sở.
Qua đó, đã thông báo tạm ngừng hoạt động đối với 23 DN không có phương án hoặc phương án chưa đảm bảo. Đối với 15 DN có phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất”, thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” qua thẩm định đạt yêu cầu, Sở có văn bản chấp thuận hoạt động và thường xuyên kiểm tra nhắc nhở DN phải thực hiện đúng quy định “3 tại chỗ” đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.
Thực tế vẫn có tình trạng một số DN, người lao động chưa tuân thủ nghiêm Chỉ thị 16, thực hiện chưa đúng cam kết “3 tại chỗ” phải tạm dừng hoạt động. Trong các KCN ở Cần Thơ đã có trên 78% DN dừng hoạt động.
Triển khai chốt chặn tại KCN Trà Nóc.
Theo đại diện Ban Quản lý (BQL) các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, trước hình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, BQL đã phối hợp với các địa phương thiết lập chốt gác tại các DN đang thực hiện phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất”. DN nào đã được phê duyệt phương án đúng quy định nhưng qua kiểm tra không đảm bảo yêu cầu, BQL sẽ cho tạm ngưng hoạt động ngay.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng, muốn giúp DN nhanh chóng trở lại sản xuất phải triệt để kiểm soát dịch bệnh. Giải quyết hài hòa vấn đề lợi ích, sản xuất kinh doanh theo đuổi “mục tiêu kép” nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện cùng lúc hai mục tiêu ngang bằng nhau.
Trong số gần 10.000 DN của thành phố đã có hơn 9.800 DN tự giác đóng cửa. Đối với các DN còn hoạt động, chi phí tăng, DN khó khăn hơn nhưng xét trên tổng thể bình diện của khối DN, có một số DN chấp nhận chi phí tăng cao để tiếp tục hoạt động và lợi nhuận cũng tăng thêm. Cũng có các trường hợp DN phải hoạt động do e ngại bồi thường đơn hàng…
Theo ông Mạnh, từng trường hợp phải xem xét, tính toán một cách thấu đáo. Khi để xảy ra dịch bệnh trong DN không chỉ tạo áp lực lên hệ thống y tế, mà còn có thiệt hại cho ngân sách, ảnh hưởng đến các DN khác và thậm chí là tính mạng người dân.
Vì vậy, những DN hoạt động phải đảm bảo trách nhiệm trước thành phố và trước pháp luật. Phải tuân thủ việc xét nghiệm 2 ngày/lần đối với 100% người lao động đang làm việc. Các đơn vị thẩm định, phê duyệt phương án cũng phải chịu trách nhiệm trước thành phố, DN nào không đảm bảo được phải kiên quyết dừng hoạt động ngay…