Khảo sát của chúng tôi với các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước và ngân hàng liên doanh, nước ngoài tại Việt Nam cho thấy, lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, hiện cao nhất đã tới gần 9%/năm.
Cụ thể kỳ hạn 3 tháng, lãi suất phổ biến là 5,2– 5,5%/năm ở các ngân hàng tư nhân, còn nhóm cổ phần thương mại Nhà nước là 5%/năm. Với các khoản tiền gửi 1 tháng và 2 tháng thì các ngân hàng lớn của Nhà nước đều huy động dưới 5% trong khi các ngân hàng tư nhân hầu như không có sự khác biệt so với kỳ hạn 3 tháng.
Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất đang thuộc về VIB với 7,5%/năm cho các khoản tiền trên 100 triệu, tiếp theo sau là Bản Việt và Ngân hàng Quốc dân huy động 7,4%/năm, VPBank lãi suất là 7%/năm trong khi các nhà băng khác như ACB, Techcombank, HDBank, SHB, Sacombank, MSB, ABBank lãi suất phổ biến từ 6,2 – 6,9%/năm. Nhóm BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank trả lãi 5,5 – 5,6%/năm.
Ở kỳ hạn 9 tháng đến dưới 1 năm, lãi suất từ 5,5 đến 7,8%/năm, trong đó mức cao nhất đang thuộc về Ngân hàng Bắc Á và Ngân hàng Bản Việt còn thấp nhất thuộc về Vietcombank và VietinBank. Nhóm các ngân hàng có lãi suất cao đáng chú ý có VietBank (7,65%/năm); NCB (7,5%/năm); VIB (7,5%/năm – món tiền 100 triệu trở lên)…
Ở kỳ hạn dài 12 tháng trở lên lãi suất đang rất cạnh tranh nhau và có sự khác biệt lớn hơn cả. Mức lãi suất cho các khoản tiền gửi thông thường ở các ngân hàng phổ biến là 6,9 – 7,9%/năm, chẳng hạn Indovina Bank là 7,7 - 7,9%/năm; ở VPBank là 7 – 7,8%/năm; ở VIB là 7,6 – 7,9%..
Nhưng cũng với kỳ hạn dài, nếu người gửi tiền có các khoản lớn hoặc gửi theo những chương trình huy động riêng của ngân hàng (chủ yếu yêu cầu khách hàng không được rút trước hạn), hoặc chứng chỉ tiền gửi thì lãi suất còn cao hơn nữa, và thống kê của chúng tôi cho thấy đã có hơn chục ngân hàng đẩy lãi suất cao nhất của của họ lên trên 8%/năm.
Chẳng hạn SHB đang có lãi suất huy động cao nhất là 8,5%/năm cho các khoản tiền 500 tỷ trở lên. Cũng với khoản tiền này khi gửi 13 tháng ở ABBank có lãi suất là 8,3%/năm.
Ngân hàng SCB trả lãi 13 tháng trở lên gửi theo chương trình Đắc Lộc Phát là 8,55%/năm nếu trả lãi cuối kỳ và trả lãi hàng tháng là 8%/năm. Ngân hàng VPBank huy động gói Phát lộc thịnh vượng lãi suất cao nhất tới 8,6%/năm. Tại Nam A Bank lãi suất 15 tháng trở lên là 8,1 – 8,4% nhưng nếu mua chứng chỉ tiền gửi loại 7 năm thì lãi suất tới 8,9%/năm. Lãi suất cao nhất của Bắc Á, Eximbank và NCB cùng là 8%/năm. Trong khi đó lãi suất kỳ hạn dài cao nhất của Bản Việt là 8,6%/năm còn của BaoVietBank là 8,2%/năm...
Bên cạnh niêm yết lãi suất cao, các ngân hàng còn thu hút người gửi tiền bằng các chương trình khuyến mãi hoặc tặng quà như cốc uống nước, bộ tách trà, bình đựng hoa, vali...và hầu hết đều cộng thêm lãi suất từ 0,1 - 0,2% khi gửi trực tuyến. Thậm chí với các khoản tiền gửi lớn gửi dài hạn, khách hàng còn được thỏa thuận thêm lãi suất cao hơn so với niêm yết nếu đồng cam kết không rút trước hạn.
Việc các ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên mức cao cho thấy nhu cầu huy động vốn mạnh một mặt để cân đối cung cầu nội bộ ngân hàng, mặt khác còn đáp ứng theo yêu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Mới đây trong một báo cáo hàng tuần về thị trường tiền tệ gửi tới các nhà đầu tư, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt còn đưa ra nhận xét, không loại trừ khả năng đang có biến động về nguồn tiền gửi tại một số ngân hàng lớn trong thời gian cuối tháng 3 vừa qua (có thể Kho bạc Nhà nước rút tiền) dẫn đến thanh khoản hệ thống bị ảnh hưởng và nó đã phản ánh qua việc lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, đồng thời lãi suất huy động thị trường 1 của một số ngân hàng lớn cũng tăng lên.
Với diễn biến hiện nay cũng như dự báo về nhu cầu vốn trong thời gian tới, phần lớn các ý kiến phân tích đều cho rằng lãi suất huy động sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ chứ khó có khả năng hạ.