Theo The Bangkok Post, động thái trên được thực hiện dựa trên điều lệ của Cơ quan quản lý sân bay đặc khu, trong đó cho phép chính quyền Hồng Kông bán 7 máy bay của Hồng Kông Airlines nếu không thể trả nợ trong vòng 60 ngày kể từ ngày bị tạm giữ.
Hồng Kông Airlines hiện duy trì đội bay gồm 39 máy bay Airbus SE. Hãng này thừa nhận một số máy bay của mình đã bị đình chỉ nhưng công ty vẫn hoạt động bình thường.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy lĩnh vực hàng không của Hồng Kông đang phải đối mặt với thời điểm khó khăn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sau nhiều tháng biểu tình, nền kinh tế đặc khu rơi vào suy thoái, không còn thu hút nhiều du khách như trước.
Máy bay của Hồng Kông Airlines cất cánh từ sân bay quốc tế Hồng Kông. Ảnh: Reuters
Một hãng hàng không khác ở Hồng Kông là Cathay Pacific Airways Ltd cũng tuyên bố doanh thu của họ có thể giảm sút đáng kể.
Nhà phân tích Paul Yong đến từ Singapore bình luận rằng việc một hãng hàng không bị tạm giữ máy bay được xem là tiền đề cho việc bị đóng cửa.
Báo South China Morning Post (SCMP) từng đưa tin Hồng Kông Airlines có thể nợ từ 11-17,2 triệu HKD (1,4-2,2 triệu USD) tiền bãi đậu máy bay và các chi phí khác. Trước đó, Cơ quan cấp phép vận tải hàng không Hồng Kông cảnh báo sẽ có hành động tiếp theo chống lại hãng này về khả năng duy trì vốn. Chính quyền đặc khu còn đe dọa thu hồi giấy phép hoạt động của công ty vì khó khăn liên quan đến tài chính.
Khi cuộc khủng hoảng leo thang, Hồng Kông Airlines cho biết họ không thể thanh toán tiền lương cho tất cả nhân viên và tuyên bố hủy thêm đường bay, bao gồm Hồng Kông - Vancouver (Canada) và Hồng Kông - TP HCM (Việt Nam). Hãng cũng ngừng cung cấp các tính năng giải trí trên chuyến bay của mình từ đầu tháng 12.
Theo The Bangkok Post, SCMP