Trong thông báo chính thức, Chính quyền Hồng Kông cho biết tỷ lệ tiêm chủng ở thành phố này vẫn thấp, chưa tới 20%. Tuy nhiên, họ sẽ phải bỏ đi vài triệu liều vắc xin trong vài tháng tới vì hết hạn sử dụng. Chính quyền đặc khu hành chính này cũng đã đưa ra phương án cho số vắc xin sắp hết hạn này.
Theo đó, Hồng Kông đang tích trữ 15 triệu liều vắc xin Sinovac và Comirnaty COVID-19 (do Pfizer Inc.-BioNTech sản xuất). Lượng vắc xin này đủ cho toàn bộ người dân Hồng Kông tiêm chủng. Tuy nhiên, tính đến 24/5, mới chỉ có 2,17 triệu liều được tiêm.
Trong khi đó, vắc xin mới vẫn tiếp tục đổ về Hồng Kông theo các hợp đồng đặt trước trong khi lượng đăng ký tiêm mới lại quá thấp. Đó là lý do khiến nhiều liều vắc xin của Pfizer Inc.-BioNTech sẽ hết hạn vào trung tuần tháng 8 tới. Lo ngại xảy ra tình trạng lãng phí, Hồng Kông đang đề nghị tặng vắc xin cho các quốc gia, vùng lãnh thổ cần tới chúng hơn.
"Để tránh lãng phí trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu eo hẹp, Hồng Kông sẽ thỏa luận với các nhà sản xuất thuốc để hủy hoặc hoãn giao lô mới, chuyển nguồn lực sang những nơi khác. Với số vắc xin dư thừa sắp hết hạn, Hồng Kông muốn chuyển chúng cho Cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19" (viết tắt là COVAX) hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)", Chính quyền Hồng Kông cho biết.
Tiêm chủng hiện là biện pháp hiệu quả và triệt để nhất để ngăn chặn đại dịch Covid-19 đồng thời cũng là giải pháp duy nhất để cuộc sống bình thường trở lại. Tuy nhiên, việc người dân mất niềm tin vào Chính quyền Hồng Kông là một trong những lý do khiến tỷ lệ người đăng ký tiêm chủng thấp. Hàng loạt những biến cố trong thời gian qua khiến Đặc khu hành chính Hồng Kông đang bị chia rẽ nghiêm trọng.