Theo diễn biến mới nhất, CNBC cho biết, lúc 11h07 theo giờ địa phương, tức 10h07 theo giờ Hà Nội, Hồng Kông đã chính thức xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì nCoV. Đây chính thức trở thành ca tử vong thứ 2 vì cúm Vũ Hán ngoài Trung Quốc đại lục.
Trước đó, Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết trường hợp tử vong đầu tiên vì virus corona ở Đặc khu hành chính Hồng Kông được báo cáo lúc 10h27 theo giờ địa phương (tức 9h27 theo giờ Hà Nội). Nạn nhân là một người đàn ông 39 tuổi.
Hôm 31/1, nhà chức trách Hồng Kông cho biết người đàn ông này ho một cách bí ẩn dù không tới bất cứ cơ sở chăm sóc sức khỏe, sở thú hay khu chợ hải sản nào. Ông này cũng không tiếp xúc với động vật hoang dã trong thời gian ủ bệnh.
Đây sẽ là trường hợp tử vong thứ 2 bên ngoài Trung Quốc đại lục được ghi nhận kể từ khi dịch cúm Vũ Hán bùng lên. Nạn nhân trước đó là một công dân Trung Quốc 44 tuổi người Vũ Hán nhưng chết ở Philippines vào ngày 1/2.
Hồng Kông có 15 trường hợp được xác định nhiễm virus corona.
Cũng trong ngày 4/2, nhà chức trách Trung Quốc xác nhận 425 trường hợp tử vong ở nước này và 20.438 trường hợp nhiễm bệnh tính đến hết ngày 3/2. Chỉ riêng ngày đầu tuần, số ca tử vong ở Trung Quốc lên tới 64 trường hợp, một kỷ lục chưa từng có kể từ đầu mùa dịch. Số ca tử vong và nhiễm bệnh đang có xu hướng tăng theo từng ngày ở Trung Quốc.
Tất cả các trường hợp tử vong đều tại tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của vùng dịch. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết ngày hôm qua, nước này phát hiện 3.235 ca nhiễm mới trong đó riêng tại Hồ Bắc là 2.345 trường hợp, chiếm hơn 2/3 tổng số ca mới được phát hiện.
Trong khi số người chết và mắc cúm liên tiếp gia tăng, chứng khoán Trung Quốc đã phản ứng tích cực hơn so với cú sập trong ngày giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ kéo dài. Cụ thể, Shanghai composite index đã tăng 0,65% trong những giờ giao dịch đầu tiên ngày 4/2 còn Shenzhen component tăng tới 1,82%. Tâm lý các nhà đầu tư dường như đã được cải thiện nhiều so với sự hoảng loạn ngày 3/2.
Tuy nhiên, nhiều công ty phân tích vẫn cảnh báo đại dịch cúm Vũ Hán sẽ gây tác động đến nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là làm giảm chi tiêu tiêu dùng trong bối cảnh các thành phố bị bế quan tỏa cảng. Ngoài ra, ngành bán lẻ, du lịch và giải trí cũng sẽ chịu những tác động không nhỏ. Tuy nhiên, điểm lạc quan được Moody’s chỉ ra là Chính phủ Trung Quốc có công cụ tài chính để hấp thụ cú sốc với kinh tế.