Người biểu tình phong tỏa đường phố, trường học
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin , đường hầm dưới biển CHT của Hồng Kông - nối Hung Hom và Causeway Bay - đã tê liệt trong cả ngày thứ Năm, 14/11, do người biểu tình lập các hàng rào bằng bàn ghế và các tấm bảng mà họ lấy được từ Đại học công nghệ Hồng Kông (PolyU) ở gần đó.
Tối ngày 14, người biểu tình tiếp tục đốt lửa ở các trạm soát vé và nấp sau các tán ô lớn, đồng thời đốt cháy một lá quốc kỳ Trung Quốc.
Tại Đại học Hồng Kông, đến tối ngày 14 người biểu tình đã xây được một bức tường gạch thấp trên đường.Trên cao tốc Tolo - nằm cạnh Đại học Trung văn Hồng Kông (CUHK), người biểu tình đã kiểm soát một cây cầu và từ vị trí này có thể dùng bom xăng tấn công bất kỳ phương tiện nào.
SCMP cho hay, người biểu tình mặc đồ đen còn trấn giữ ở các tuyến đường phụ bằng hàng rào, cọc tre và nhiều vật dụng khác, gây khó khăn đặc biệt cho người dân khu Tân Giới di chuyển vào thành phố. Một số tài xế nói đã bị ném bom xăng vào phương tiện khi họ cố gắng vượt qua rào chắn vào sáng thứ Năm.
Nhiều khu vực trong khuôn viên các trường CUHK và PolyU cũng bị người biểu tình chiếm lĩnh. Họ "cắm chốt" tại đây qua đêm và thu thập nhiều đồ vật để lập rào chắn, chế tạo bom xăng, ngoài ra còn tổ chức tập luyện bắn cung và ném bom xăng.
Tại một số địa điểm ở hai trường đại học nêu trên và Đại học Baptist ở Kowloon Tong, người biểu tình tổ chức canh gác và kiểm tra nhân thân, hành lý của những người muốn vào bên trong trường.
Trong khi các cuộc biểu tình và bạo lực leo thang ở Hồng Kông kéo dài đến ngày thứ tư liên tiếp (kể từ ngày 11/11), chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu trước dư luận quốc tế về tình hình đặc khu. Trong thông điệp phát đi từ hội nghị cấp cao nhóm BRICS tại Brazil ngày 14, ông Tập nói rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay là chấm dứt bạo lực và khôi phục trật tự ở Hồng Kông. Dù không đề cập trưởng đặc khu Carrie Lam, ông khẳng định ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Hồng Kông "thực thi nhiệm vụ theo luật pháp".
Lãnh đạo Trung Quốc gọi tình trạng bạo lực tiếp diễn là mối đe dọa với luật pháp, trật tự, sự thịnh vượng, ổn định của Hồng Kông, và là thách thức đối với "giới hạn cuối cùng của nguyên tắc 'Một quốc gia, hai chế độ'".
Người biểu tình đốt lửa ở gần Đại học Trung văn Hồng Kông (Ảnh: EPA)
Bà Lam hứng nhiều chỉ trích vì thiếu giải pháp
Trưởng đặc khu Carrie Lam không xuất hiện công khai trong hai ngày qua, nhưng đã triệu tập cuộc họp khẩn với các quan chức chính quyền vào tối thứ Tư, 13/11. Tuy nhiên, chánh văn phòng chính quyền Matthew Cheung Kin-chung gây thất vọng khi thông báo rằng giới chức đang cố gắng tìm ra giải pháp và vẫn chưa có phương án nào được xác định có thể làm hạ nhiệt tình hình.
Cheung khiến tình huống tệ hơn khi mô tả sự kiện tối ngày 13 chỉ là "một cuộc họp thông thường".
Các nhà lập pháp thân Bắc Kinh đã thúc giục lãnh đạo thành phố kiên quyết với giải pháp của mình và đưa ra thêm các biện pháp khôi phục hòa bình.
Trong một tín hiệu khác cho thấy sự mất kiên nhẫn, tờ Văn Hối thân Bắc Kinh đã dành những ngôn từ mạnh mẽ nhằm vào bà Lam khi nói rằng người dân Hồng Kông đang mất lòng tin về khả năng ngăn chặn bạo lực của chính quyền.
Các nhà lập pháp đối lập, như nghị sĩ Dennis Kwok thuộc đảng Công dân, nói rằng bà Lam cùng cộng sự đã đánh mất thẩm quyền điều hành thành phố.
Đồn đại dấy lên vào tối ngày 15 khi tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) dẫn "các nguồn tin" nói rằng chính quyền Hồng Kông có thể sắp tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm. Nhưng dòng tweet của Hoàn Cầu nhanh chóng bị xóa, và một nguồn tin chính quyền tiết lộ với SCMP rằng không có kế hoạch nào như vậy.
Người biểu tình Hồng Kông chiếm giữ một cây cầu vượt, ẩn nấp sau lá chắn, và xếp gạch dưới đường để cản bước cảnh sát (Ảnh: Xiaomei Chen/SCMP)
Tuần hành ở nhiều nơi, giao thông thành phố tê liệt
Theo SCMP, bên cạnh đường phố xung quanh các trường đại học bị phong tỏa, những người thị uy còn làm gián đoạn dịch vụ tàu điện ngầm khi ném bom xăng xuống đường ray gần Hung Hom và Kwun Tong.
Các đoàn tuần hành được nhìn thấy tại những khu thương mại lớn như Central và Tai Koo vào giờ nghỉ trưa. Nhiều cửa hàng mua sắm tại khu Sheung Shui bị phá hoại.
Ít nhất 15 ga tàu điện đã đóng cửa, 65 tuyến xe buýt bị ảnh hưởng do người biểu tình "cấm đường".
Đến 22h tối ngày 14/11, có 49 người - từ 48 ngày tuổi đến 60 tuổi - đã phải nhập viện.
Sau khi các lớp học bị đình chỉ ngày thứ Năm, Sở giáo dục Hồng Kông thông báo các lớp học ở trường mầm non, tiểu học, cấp 2 và các trường đặc biệt sẽ tạm ngưng cho đến Chủ nhật tới.
Hàng nghìn người biểu tình - nhiều người trong trang phục công sở - đổ xuống đường Connaught ở khu Central, trong khi những người khác xếp gạch trên đường phố để cản bước cảnh sát chống bạo động.
Khoảng 100 người tuần hành ở Kwun Tong, hàng trăm người khác xuất hiện ở đường King’s Road tại Tai Koo và phong tỏa con phố. Ba người biểu tình đeo mặt nạn sau đó phá hủy một camera giám sát tại ga tàu điện Tai Koo.
Người biểu tình chặn đường bên ngoài Đại học Baptist để chuẩn bị đối đầu với cảnh sát chống bạo động vào ngày 14/11 (Ảnh: Xiaomei Chen)
Ở đường hầm CHT, cảnh sát bắn đạn hơi cay tại PolyU vào sáng ngày 14, sau khi những người biểu tình mặc đồ đen ném nhiều vật thể vào nhà chức trách. Cảnh sát cáo buộc "những kẻ bạo động" đã bắn tên vào một số nhân viên an ninh ở gần trường học lúc 6h45. 6 mũi tên đã được thu giữ tại hiện trường.
Trả lời họp báo cùng ngày, ông John Tse Chun-chung, người đứng đầu phòng quan hệ công chúng của cảnh sát Hồng Kông, lên án người biểu tình quá khích vì đã làm tê liệt hơn 20 nút giao thông huyết mạch của thành phố.
"Bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân tiếp theo. Điều này đã trở thành một mối đe dọa xã hội," ông Tse nói. Lãnh đạo cảnh sát cũng gây sức ép với ban quản trị các trường đại học, cho rằng "nhà trường cần nêu rõ lập trường chống lại bạo lực và làm hết khả năng để ngăn sinh viên tiếp tục những hành động hủy hoại này".
Trên các kênh trao đổi bí mật, người biểu tình nói rằng họ lên kế hoạch cho "nhiều bất ngờ hơn nữa" trong ngày hôm nay, 15/11.