Trong 25 năm liên tiếp, Hồng Kông vẫn là nền kinh tế tự do nhất thế giới, một phần nhờ mức thuế thấp và là một nền pháp quyền. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng ở đây ngày càng lan rộng và dẫn đến sự bất ổn tồi tệ nhất kể từ khi Anh trao trả thành phố này cho Trung Quốc vào năm 1997.
Chẳng hạn, việc Hồng Kông không đánh thuế thừa kế và thuế lãi vốn đã khiến những "đại gia" ở đây còn giàu có hơn. Tổng tài sản ròng của 20 người giàu nhất thành phố này, trong đó có nhà sáng lập của CK Group - Lý Gia Thành và Lý Triệu Cơ, nhà sáng lập của Henderson Land Development, là 210 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Ngược lại, tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập ở đây lại cao nhất so với tất cả các nền kinh tế phát triển vào năm 2016 và đạt mức cao nhất trong 45 năm. Tại đây, cứ 5 người thì có 1 người sống dưới mức nghèo khổ.
Trong bài phát biểu trước các nhà lập pháp vào thứ Tư, Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam có thể sẽ gặp khó khăn với chủ đề bất bình đẳng xã hội - nguyên nhân gây ra các cuộc biểu tình kể từ đầu tháng 6. Hiện tại, bà Lam đang chịu áp lực để xoa dịu những căng thẳng và tìm cách cải thiện tình trạng khủng hoảng nhà ở tại thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, mà không thay đổi hệ thống thuế đã đưa Hồng Kông trở thành trung tâm tài chính của châu Á.
Simon Lee, đồng giám đốc của Chương trình nghiên cứu Doanh nghiệp và Kinh doanh Trung Quốc tại Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, cho hay: "Vấn đề là Hồng Kông có nhiều người siêu giàu, họ có thể kiếm được cổ tức và tiền lãi từ bất động sản mà không phải trả thuế. Trong khi đó, những người nghèo nhất cũng không phải trả thuế. Bởi vậy, tầng lớp trung lưu thực sự gặp khó khăn."
Dưới đây là một số chính sách thuế ở Hồng Kông:
Không đánh thuế lợi vốn (CGT)
Giống như Singapore, Hồng Kông không áp thuế đối với lợi nhuận từ việc bán tài sản đầu tư, trong khi hầu hết các quốc gia phát triển đều áp dụng loại thế này. Ví dụ, Anh thu tới 28% khoản lãi trên vốn. Ở Hàn Quốc, mức thuế này dao động từ 6% đến 70%, tuỳ vào loại tài sản và thời gian nắm giữ. Tại Mỹ, thuế CGT lên tới 28%.
Không có thuế cổ tức
Hồng Kông không đánh thuế cổ tức từ cổ phần được nắm giữ. Điều này cũng là hiếm có đối với các nền kinh tế phát triển. Ví dụ, ở Nhật Bản, cổ tức thường bị áp thuế khoảng 20%. Anh tính thuế từ 7,5% đến 38,1% tuỳ thuộc vào tổng thu nhập chịu thuế của người nắm giữ. Tại Mỹ, thuế cổ tức được tính tương đương với thuế thu nhập thông thường hoặc theo tỷ lệ tăng vốn, tuỳ vào từng loại.
Không có thuế thừa kế
Hồng Kông đã loại bỏ thuế thừa kế vào năm 2006 để thúc đẩy sự phát triển của thành phố trở thành trung tâm quản lý tài sản và tín thác. Điều này đã khuyến khích các tỷ phú giữ tài sản của mình trong thành phố. Trong khi đó, Singapore đã loại bỏ thuế bất động sản vào năm 2008. Ở Mỹ, các loại bất động sản có giá trị trên 411.420 USD sẽ bị đánh thuế ở mức 40% cho phần vượt ngưỡng tiêu chuẩn. Tại Đài Loan, thuế thừa kế sẽ ở mức 20%, Nhật Bản dao động từ 10% đến 55%, tuỳ thuộc vào giá trị của bất động sản đó.
Không có thuế thu nhập ở nước ngoài
Hồng Kông không áp thuế thu nhập ở nước ngoài, ví dụ như lợi nhuận từ các khoản đầu tư nước ngoài và thu nhập từ việc cho thuê các loại tài sản ở nước ngoài. Điều này không chỉ giúp các triệu phú nắm giữ tài sản trên khắp thế giới, mà còn tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài tránh thuế bằng cách tìm đến thành phố này. Tại Singapore, khoản thu nhập này được miễn thuế cho các cá nhân. Tuy nhiên, các nước như Anh, Mỹ, Úc, Hàn Quốc và Nhận Bản đều đánh thuế thu nhập từ nước ngoài của người dân.
Không áp thuế luỹ tiến với thu nhập cho thuê bất động sản
Gần một nửa người dân Hồng Kông đều sống trong những căn nhà cho thuê. Tuy nhiên, dù họ đang thuê một ngôi nhà sang trọng ở khu Victoria Peak hay một căn hộ nhỏ trong khu phố cũ Sham Shui Po, thì chủ nhà của họ cũng chỉ bị đánh thuế 15% đối với thu nhập từ việc cho thuê nhà. Ở Singapore, thu nhập cho thuê nhà phải chịu thuế thu nhập, có thể lên tới 22% tính theo luỹ tiến. Tại Anh, lợi nhuận cho thuê nhà cũng phải chịu thuế thu nhập lên tới 45% và nếu chủ nhà cho thuê để phục vụ kinh doanh thì phải trả thêm phí.