Ngày 21/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có buổi gặp mặt chia sẻ thông tin với báo chí.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán UBCKNN, đã đề cập đến đề án hợp nhất 2 Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Hà Nội và TP HCM trên cơ sở thành lập Sở GDCK Việt Nam, công ty mẹ của HNX và HoSE. Vốn điều lệ của Sở GDCK Việt Nam là 3.000 tỷ đồng được điều chuyển từ 2 sở giao dịch con.
Toàn cảnh buổi họp báo chiều 21/1. Ảnh: Lê Hải.
Hiện nay, mô hình tách bạch các sở GDCK có 2 nhược điểm. Thứ nhất là sự phân định thị trường và hàng hóa chưa được rõ ràng. Thứ hai là hệ thống giao dịch ở 2 sàn đang độc lập và khác biệt nhau, gây tốn kém nguồn lực xã hội và chi phí cho các thành viên tham gia hệ thống, tốn kém cho nhà đầu tư. Ngoài ra, nhiều bộ phận phòng ban có sự trùng lặp, ví dụ bộ phận nghiên cứu phát triển, bộ phận hành chính, bộ phận hợp tác quốc tế...
Theo bà Bình, xu hướng hiện nay của thế giới là hợp nhất, sáp nhập các sở giao dịch để tăng sức cạnh tranh trên bình diện quốc tế, giảm chi phí cho nhà đầu tư, tăng quy mô thị trường. Đồng thời, việc sáp nhập 2 sở GDCK sẽ tạo điều kiện tối đa cho công tác phát triển về chiều sâu.
Sở GDCK Việt Nam sẽ tập trung vào các khía cạnh như phát triển sản phẩm, là một đầu mối để tham gia các tổ chức quốc tế (hiện nay cả 2 sở cùng đang là thành viên của các tổ chức quốc tế), là đơn vị thực hiện việc quản lý, phát triển hệ thống công nghệ thông tin thống nhất. Trong khi đó, 2 sở GDCK sẽ tập trung vào công việc vận hành các sàn giao dịch đối với các hàng hóa theo lộ trình tái cấu trúc, loại bỏ những nhiệm vụ trùng lặp.
Dẫn chứng mô hình hợp nhất thành công từ nước ngoài, bà Bình cho biết, trước đây Nhật Bản có Sở giao dịch Tokyo, thành lập năm 1818 giao dịch các cổ phiếu lớn trên thị trường Nhật Bản và Sở Giao dịch Osaka (lớn thứ 2) tập trung vào sản phẩm phái sinh. Năm 2013, Sở GDCK Tokyo và Osaka đã hợp nhất và thành lập Tập đoàn Giao dịch chứng khoán Nhật Bản (JPX) theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó Sở Giao dịch Tokyo và Osaka vẫn là các đơn vị độc lập và quản lý các mảng thị trường tách biệt.
Bên cạnh Nhật Bản, mô hình Việt Nam áp dụng cũng được tham khảo kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Singapore.