Việc hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy cấp huyện với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng đã và đang được các địa phương trong cả nước triển khai. Từ chủ trương của Trung ương về đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền, Quảng Ninh đã mạnh dạn đổi mới tổ chức bộ máy, trong đó có việc hợp nhất những cơ quan có sự tương đồng về mục đích, đối tượng, chức năng, nhiệm vụ.
Đến nay, tất cả 14/14 huyện thị thành phố của Quảng Ninh đều đã hoàn thành việc hợp nhất Cơ quan Ban Tổ chức với phòng Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra cấp huyện.
Tại thành phố Hạ Long, sau hơn 1 năm triển khai hợp nhất, Cơ quan Tổ chức - Nội vụ đã đi vào hoạt động nền nếp và ngày càng gắn kết dưới mái nhà chung. Trước đây, những nhiệm vụ có sự tương đồng giữa công tác Đảng và công tác chính quyền nhưng khác nhau về phân công đối tượng, cán bộ 2 đơn vị vẫn phải có văn bản phối hợp.Đầu năm 2018, Quảng Ninh triển khai hợp nhất Ban Tổ chức cấp ủy với Phòng Nội vụ cấp huyện thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra cấp huyện thành Cơ quan Kiểm tra - Thanh tra.
Trở thành "hai trong một", các công tác tổ chức cán bộ; tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách hành chính; thi đua khen thưởng, lưu trữ,... với trên 18.000 đảng viên trực thuộc đều được bố trí hợp lý cho cán bộ đảm nhiệm, tạo sự liên thông, tinh gọn đầu mối, tiết kiệm nhân lực. Các quy trình nghiệp vụ cũng được giảm tải, tránh sự trùng lặp, chồng chéo hoặc có khoảng trống trong thực hiện nhiệm vụ. Số biên chế giảm từ 20 xuống còn 15 người, các tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên chuyển giao về sinh hoạt chung, kinh phí hoạt động được chuyển giao cho văn phòng cấp ủy theo dõi, chi trả theo chế độ.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ Thành ủy Hạ Long cho biết: “Mọi công việc Thủ trưởng chịu trách nhiệm chung, phân công cụ thể theo nguyên tắc "1 người làm nhiều việc, mỗi việc do 1 người chịu trách nhiệm". Sau khi hợp nhất, chúng tôi ban hành quy chế hoạt động, phân công từng mảng cụ thể. Việc hợp nhất cũng kiêm thêm 1 số việc của nhau, từ đó thêm hiểu biết về các quy trình tham mưu cho cấp ủy và chính quyền. Do đó, cán bộ được nâng cao trình độ hơn, nhiệm vụ chồng chéo giảm bớt”.
Quảng Ninh tiến hành hợp nhất Cơ quan Tổ chức - Nội vụ và Kiểm tra - Thanh tra cấp huyện (mô hình minh họa). |
Còn tại huyện miền núi Hoành Bồ, những kết quả tích cực sau hơn 1 năm thí điểm cũng rất đáng kể. Với Cơ quan Kiểm tra - Thanh tra huyện ủy, sau khi hợp nhất, việc thực hiện lồng ghép giữa các nhiệm vụ đã giúp rút ngắn thời gian, từ giám sát, kiểm tra, thanh tra đến xem xét xử lý kỷ luật đảng viên. Trong thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết đơn thư, tham gia tiếp công dân, thanh tra kinh tế - xã hội cũng đạt được sự thống nhất cao và hiệu quả hơn trước khi hợp nhất.
Thủ trưởng Cơ quan Kiểm tra - Thanh tra huyện ủy Hoành Bồ, ông Nguyễn Hoàng Quý cho biết: “Sau khi hợp nhất với nhau, trong quá trình mới tiếp cận thì cũng có những vướng mắc nhất định liên quan đến đối tượng khác nhau. Chúng tôi cử anh em đi bồi dưỡng nghiệp vụ, những cán bộ làm Kiểm tra thì đi bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra và ngược lại, về sẽ có phân công cụ thể phù hợp, phù hợp với khả năng của mỗi người. Từ đó có cách tiếp cận để tham mưu giải quyết công việc hài hòa, đi vào nhuần nhuyễn hiệu quả hơn”.
Đến nay, tất cả 14/14 huyện thị thành phố của Quảng Ninh đều đã hoàn thành việc hợp nhất Cơ quan Ban Tổ chức với phòng Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra cấp huyện, giảm 28 đầu mối. Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, có được những kết quả tích cực bước đầu này là nhờ Quảng Ninh đã tiến hành những bước đi rất thận trọng, khoa học. Các địa phương trong tỉnh đều tiến hành nhất thể hóa chức danh lãnh đạo là Trưởng Ban tổ chức với Trưởng phòng Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra với Chánh Thanh tra từ 2-3 năm trước khi hợp nhất Cơ quan.
“Kinh nghiệm thực tiễn mô hình này là tiến hành các bước đi thận trọng, khoa học, thực sự dân chủ từ việc xây dựng các đề án, việc lấy ý kiến của các đối tượng tác động, đặc biệt của cán bộ đang công tác tại các cơ quan sẽ tiến hành hợp nhất. Đặc biệt là những nội dung chưa có quy định, chưa có tiền lệ thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xin phép thí điểm. Đây là tiền đề rất quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu các mô hình nhất thể hóa, hợp nhất khác”, ông Thành nói.
Đây là mô hình mới triển khai thí điểm và cũng mới chỉ triển khai ở cấp huyện, chưa đảm bảo liên thông, đồng bộ giữa các cấp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tiến hành sơ kết, đánh giá những ưu điểm, những khó khăn vướng mắc trong cơ chế vận hành, hoạt động của Cơ quan hợp nhất, đồng thời chỉ đạo cho các địa phương bổ sung quy chế làm việc, giám sát để đảm bảo thống nhất về chủ trương và nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động.
Với các vấn đề về nguồn kinh phí, biên chế cán bộ, quy định sử dụng con dấu cho các Cơ quan hợp nhất, Quảng Ninh hiện đang chờ hướng dẫn thi hành của Trung ương để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục hoàn thiện mô hình này tại địa phương./.